Sẵn sàng nhân lực, thuốc men cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa lũ

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/10, Bộ Y tế có công điện về việc triển khai công tác y tế ứng phó mưa, lũ lụt và bão số 7.

Công điện nêu rõ, căn cứ công điện số 25/CĐ-TWPCTT ngày 13/10/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Từ sáng 14/10, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Riêng vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
 Các tỉnh miền Trung đang chịu thiệt hại nặng nề của bão lũ. Ảnh internet.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14-16/10 khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Để chủ động ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ lụt tại khu vực Trung Bộ còn diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế (Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu các vụ/cục, cơ quan Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/TP: Từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung thực hiện một số nội dung:
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ lụt, đặc biệt là cơn bão số 7 để bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho Nhân dân không bị gián đoạn.
Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng, chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân khi cần. Triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế. Chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Khẩn trương khắc phục các cơ sở y tế bị ngập (vệ sinh, điện, nước sạch…) để sớm đưa vào khám bệnh, chữa bệnh.
Duy trì chế độ trực các đội cấp cứu cơ động. Các tổ đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và các đơn vị y tế khác, chủ động phối hợp với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, để thống nhất phương án hỗ trợ, cấp cứu, điều trị các nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hướng, tổn thất do thiên tai, đặc biệt là sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.
Rà soát lượng dự trữ thuốc, hóa chất và vật tư y tế kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư cần thiết.
Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu và khả năng bảo đảm y tế của địa phương và đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ khi vượt quá khả năng của địa phương.