Sớm thay thế dây chuyền sản xuất bê tông xây dựng thủ công lạc hậu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2019, Việt nam sử dụng khoảng 140 triệu tấn m3 bê tông, trong đó 50% được sản xuất tại các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm và 50% được sản xuất thủ công, nhiều dây chuyền sản xuất còn lạc hậu...

Sản xuất nhỏ lẻ
Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD - Bộ Xây dựng) Nguyễn Quang Hiệp cho biết, thời gian qua với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng, ngành sản xuất VLXD cũng đạt nhiều bước tiến quan trọng.
Riêng trong năm 2019, các công trình xây dựng trên cả nước sử dụng khoảng 140 triệu m3 bê tông. Ước tính với tổng diện tích sàn xây dựng mới hàng năm hiện nay từ 80 - 90 triệu m2, thì nhu cầu về bê tông xây dựng sẽ tiếp tục tăng và lĩnh vực sản xuất bê tông cũng có nhiều lợi thế phát triển từ thị trường và nguồn nguyên liệu.
“Tuy nhiên, trong số các dây chuyền sản xuất bê tông đang hoạt động, có tới 50% được sản xuất tại các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm và 50% được sản xuất thủ công”- ông Nguyễn Quang Hiệp cho hay.
Phấn đấu mục tiêu giảm tỷ lệ bê tông trộn xuống còn khoảng 25% tổng sản lượng bê tông xây dựng trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Hiện nay, trên thị trường có một số loại bê tông xây dựng đang được sử dụng nhiều tại các công trình, như: Bê tông khí chưng, tấm bê tông thực vật, bê tông mùn cưa, bê tông từ bụi thép... đây đều là những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ mới, nguyên liệu chính là phế thải công nghiệp.
Tuy nhiên, phần lớn các công trình xây ở Việt Nam vẫn sử dụng bê tông xây dựng truyền thông, được nghiền trộn từ nguyên liệu hóa thạch, những sản phẩm khác đều phải nhập khẩu.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu một công trình xây dựng có diện tích sàn khoảng 30.000m2, sử dụng công nghệ xây dựng bằng bê tông khí trong thi công sẽ giảm được 30% tải trọng đứng, 14% trọng lượng công trình, tiết kiệm được khoảng 6 tỷ đồng tiền xây dựng. Vì vậy, yếu tố công nghệ trong sản xuất bê tông cần được đặc biệt chú trọng.
Phát triển sản phẩm xanh
Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Thái Duy Sâm cho biết, trong chiến lược phát triển VLXD không nung theo Quyết định số 567/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sản phẩm bê tông, như bê tông khí, sản phẩm bê tông bọt, gạch bê tông... sẽ trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo của thị trường, thay thế dần bê tông truyền thống và gạch đất sét nung.
Thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, đến nay tổng công suất thiết kế các vật liệu xây không nung đạt trên 7 tỷ viên, chiếm 26% tổng công suất thiết kế và 25% tổng sản lượng vật liệu xây. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tài nguyên ngày càng hạn hẹp, lĩnh vực bê tông phải đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý tài nguyên, đẩy mạnh sản xuất từ nguyên liệu tái chế...
“Trước hết tăng cường nghiên cứu nhằm nắm bắt, làm chủ công nghệ sản xuất; hiểu rõ tính năng của sản phẩm để lựa chọn được các công nghệ sản xuất tiên tiến với thiết bị hiện đại, vận hành đạt hiệu quả cao. Nghiên cứu khắc phục các khiếm khuyết đang gặp phải trong sản xuất và sử dụng các sản phẩm cho người sử dụng lựa chọn được vật liệu thích hợp và thi công đảm bảo chất lượng công trình”, ông Thái Duy Sâm nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, lĩnh vực sản xuất bê tông xây dựng cần phát triển những loại bê tông thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.
“Các công trình xây dựng cần hướng đến những sản phẩm bê tông thân thiện, sản xuất từ phế thải công nghiệp và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ bê tông trộn xuống còn khoảng 25% tổng sản lượng bê tông xây dựng” - ông Nguyễn Quang Hiệp nói.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại.

Sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 7 giải pháp thực hiện, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần