Sản xuất lúa hàng hóa: Đột phá từ cơ cấu giống

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa hàng hóa, góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng công tác khảo nghiệm, sản xuất thực nhiệm những giống lúa mới có năng suất, chất lượng để bổ sung vào cơ cấu giống.

 Mô hình sản xuất thực nghiệm giống lúa Bắc Hương 9 vụ Xuân 2018 cho năng suất cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Bổ sung 2 giống lúa triển vọng
Tham gia mô hình sản xuất thực nghiệm 2 giống lúa Bắc Hương 9 và Kim Cương 111 trong vụ Xuân 2018, nông dân xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) phấn khởi vì được mùa. Nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật nên mô hình cho hiệu quả tốt, năng suất cao: Giống Bắc Hương 9 đạt 68,3 tạ/ha, giống Kim Cương 111 đạt 71,4 tạ/ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hát Môn Hồ Xuân Thắng chia sẻ: "Đây là 2 giống lúa vừa cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon nên được bà con xã viên ủng hộ. Vụ Mùa tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa những giống lúa này".

Là địa phương tiêu biểu trong sản xuất lúa – gạo hữu cơ, những năm gần đây, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ thường xuyên duy trì gieo cấy 150ha lúa hữu cơ chất lượng cao mỗi vụ. Hiện, với giá bán gạo trên thị trường 35.000 đồng/kg, mỗi sào lúa cho nông dân thu nhập trên 3 triệu đồng. Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Đồng Phú Phạm Văn Thành cho hay, mặc dù chất lượng gạo ngon nhưng giống lúa Bắc thơm số 7 chỉ đạt năng suất khoảng 1,5 tạ/sào nên việc đưa giống lúa chất lượng Bắc Hương 9 vào gieo cấy theo phương pháp hữu cơ sẽ là hướng phát triển mới của HTX.

Vụ Xuân năm 2018, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Sở NN&PTNT) tiến hành sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới Bắc Hương 9 và Kim Cương 111 tại các vùng sinh thái khác nhau của TP là huyện Mê Linh, Phúc Thọ và Chương Mỹ. Kết quả cho thấy, các giống lúa này có nhiều điểm ưu việt hơn các giống lúa đối chứng (Bắc thơm số 7, Khang dân 18), có khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất cao bình quân đạt trên 60 tạ/ha. Qua theo dõi và đánh giá, Trung tâm đã xác định 2 giống lúa đều có tính ổn định cao và đề xuất bổ sung vào cơ cấu giống lúa của TP trong năm 2019.

Đáp ứng tái cơ cấu ngành

Hiện nay, Hà Nội có diện tích gieo cấy lúa hàng năm đạt hơn 200.000ha. Đáng nói, trong cơ cấu giống của TP vẫn sử dụng nhiều giống lúa cũ như Khang dân, Bắc thơm số 7... Các giống lúa này đã có biểu hiện thoái hóa, mẫn cảm với một số sâu bệnh hại chính như: Rầy nâu, bạc lá. Do đó, việc tìm ra những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái, canh tác của Hà Nội là hết sức cần thiết.

Để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành trồng trọt, Hà Nội đang khẩn trương thay thế 2 giống lúa Bắc thơm số 7 và Khang dân 18 có thâm niên canh tác trên 20 năm bằng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Đồng thời, loại khỏi danh mục nhiều giống lúa cũ không đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ diện tích gieo cấy hàng năm. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp để Hà Nội đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP có cơ cấu giống lúa năng suất 50%, giống lúa chất lượng 35% và giống lúa lai 15%.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, vụ Xuân năm 2018, cơ cấu giống lúa của TP đã thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ lúa chất lượng lên 48% và giảm tỷ lệ lúa năng suất xuống 40%. Tuy nhiên, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất phù hợp cho từng vùng sản xuất và đánh giá kỹ lưỡng giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm gạo đối với các giống lúa đã chọn lọc trước khi đưa vào sản xuất đại trà.
Công tác khảo nghiệm, sản xuất thực nghiệm các giống lúa mới được Hà Nội thực hiện bài bản mà không phải địa phương nào cũng làm được. Đặc biệt là quy trình đánh giá, tuyển chọn giống lúa được tiến hành minh bạch có sự chứng kiến của nhiều DN, địa phương.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn