Sản xuất nông nghiệp đảo lộn vì nắng nóng

Trọng Tùng – Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt nắng nóng kỷ lục trong những ngày qua khiến cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất.

Lo làm mát cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, ngày nào anh Nguyễn Tuấn Văn, chủ trang trại chăn nuôi xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cũng phải túc trực kiểm tra hệ thống làm mát cho đàn lợn 180 con. Anh cho biết, riêng đàn lợn nái đã được trang bị hệ thống làm mát hiện đại nên cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đối với đàn lợn thịt, anh phải bật hết công suất 2 chiếc quạt công nghiệp cỡ lớn, sải cánh 1,1m với công suất 750W/chiếc, đồng thời vận hành hệ thống máy bơm nước vào máng cho lợn tắm mát. “Do thời tiết quá nóng nên đàn lợn thịt giảm ăn đáng kể, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của vật nuôi” – anh lo lắng.

Hộ chăn nuôi tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ phải bơm nước tắm mát thường xuyên cho đàn lợn. Ảnh: Quang Thiện

Tương tự, mấy ngày qua, anh Nghiêm Đình Minh, chủ trang trại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cũng như “ngồi trên đống lửa” bởi thời tiết nắng nóng gay gắt đang ảnh hưởng lớn tới đàn lợn của gia đình. Trang trại của anh Minh đang nuôi trên 2.000 con lợn, trong đó có khoảng 400 lợn nái, số còn lại là lợn thịt. Trong 2 - 3 ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, gia đình đã phải huy động hàng chục nhân công túc trực 24/24 giờ để kiểm tra và thường xuyên tắm mát cho đàn lợn. Bên cạnh đó, trang trại cũng phải vận hành hết công suất hệ thống quạt làm mát và sử dụng chất điện giải phối trộn trong nước uống, thức ăn để giải nhiệt cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, tổng đàn gia súc trên địa bàn hiện có khoảng 60.000 con, đàn gia cầm vào khoảng 2,3 triệu con. Thời tiết nắng nóng không chỉ khiến người chăn nuôi vất vả hơn mà kèm theo đó là nỗi lo nguy cơ nhiễm bệnh ở vật nuôi tăng cao, đặc biệt là các chứng bệnh về hô hấp. “Thiệt hại sẽ rất đáng lo đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng còn khiến đầu ra cho sản phẩm bị chậm hơn do sản lượng tiêu thụ thịt lợn giảm” – ông Hà cho hay.

Tăng chi phí sản xuất

Không riêng gì người chăn nuôi, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản và trồng rau cũng gặp nhiều khó khăn khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Ông Chu Văn Hồng – Giám đốc HTX Thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông, huyện Ba Vì cho biết, nắng nóng khiến cho chi phí sản xuất tăng thêm 30% so với bình thường, bởi các hộ dân phải vận hành hệ thống quạt sục khí. Đơn cử như hộ gia đình ông Hồng có ao nuôi diện tích 1,4ha hiện đang phải vận hành 4 chiếc máy sục khí công suất 2,2kw/h chạy từ trưa đến tối. “Bên cạnh đó, nếu các hộ nào không quan tâm chăm sóc cẩn thận thì cá dễ bị sốc nhiệt, bỏ ăn” – ông Hồng cho hay.

Tại vùng rau Văn Đức, huyện Gia Lâm, một số diện tích rau mới gieo cũng đã bị cháy táp lá, hỏng hoàn toàn, số diện tích rau ăn lá còn lại cũng bị ảnh hưởng tới sinh trưởng. Hiện tại, người dân đang phải bơm nước giữ ẩm cho ruộng rau. Một số hộ đầu tư nhà lưới, nhà giàn để chống nóng cho rau, song chi phí sản xuất lớn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, ngoài đàn gia súc, gia cầm, nắng nóng cũng đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới cây trồng, đặc biệt là đối với cây dưa lê. Cụ thể, một số diện tích dưa lê thuộc 2 xã Tráng Việt và Đại Thịnh đang bị bệnh héo xanh, ảnh hưởng tới năng suất.

Ngay khi có thông tin cảnh báo về đợt nắng nóng, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chủ động triển khai các phương án chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Nguyễn Thị Ngọc Hà

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh