Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chưa đạt kỳ vọng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi đang được TP tập trung đẩy mạnh. Nhiều mô hình nông nghiệp CNC được triển khai đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới vẫn còn không ít việc cần làm.
Những “điểm sáng” đầu tiên

Tháng 6/2016, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) liên kết với DN của Nhật Bản để nhập dây chuyền, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến nấm kim châm. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình nông thôn, miền núi của UBND TP, ngày 30/4/2017 nhà máy sản xuất nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản quy mô công nghiệp đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, công suất của nhà máy đạt khoảng 1,5 tấn/ngày. Đặc biệt, sản phẩm hiện không lo đầu ra nhờ chất lượng đảm bảo.

Công nhân đóng gói nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trọng Tùng

Là vùng chăn nuôi bò sữa tập trung lớn của Hà Nội với lượng chất thải phát sinh mỗi ngày lên tới gần 10 tấn, vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành bài toán khiến người dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm hết sức đau đầu. Nhận thức được nguy cơ trên, HTX Làng Gióng đã mạnh dạn tiếp nhận đề án “Xây dựng điểm xử lý phân, chất hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp chống ô nhiễm môi trường” do UBND xã Đặng Xá xây dựng. Theo đó, lượng phân bò phát sinh được thành viên HTX Làng Gióng thu gom về khu xưởng, sau đó được xử lý bằng giun quế và chế phẩm sinh học. Kết quả không chỉ giúp giải bài toán môi trường trên địa bàn xã Đặng Xá, chất thải sau xử lý trở thành phân hữu cơ rất tốt cho canh tác nông nghiệp.

Đó chỉ là 2/89 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Trong số các địa phương đang thực hiện, huyện Gia Lâm dẫn đầu với 13 mô hình, tiếp đến là Thanh Oai: 9 mô hình, Phúc Thọ và Đông Anh mỗi địa phương có 8 mô hình… Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, mà còn góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững thông qua bảo vệ môi trường.

Những bài toán cần lời giải

So với tiềm năng, lợi thế, việc Hà Nội đến nay mới chỉ xây dựng được 89 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC là con số rất khiêm tốn. Nhưng nhìn vào thực tế mới thấy, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp hiện vẫn còn không ít khó khăn, nhất là về vốn và kỹ thuật sản xuất.

Ví dụ từ Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn). Tháng 8/2016, DN này bắt tay vào trồng rau hữu cơ trên diện tích 1.200m2. Để gia tăng lợi nhuận, từng bước hiện đại hóa sản xuất, DN quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động. Tuy nhiên, đang triển khai thì… thiếu vốn. Giám đốc Công ty Hoàng Văn Hiền cho biết, DN đã đi vay nhiều ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhưng đều được yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Điều này vượt quá khả năng của đơn vị. Kết quả là đến nay, hơn 1 tỷ đồng đã đầu tư dang dở vẫn đang nằm… “đắp chiếu”.

Bên cạnh khó khăn về vốn, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của các tổ chức, DN, cá nhân cũng là một rào cản. Để có thể gây dựng được một nhà máy sản xuất nấm kim châm quy mô công nghiệp, người sáng lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đã phải lặn lội nhiều lần sang Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm, gửi công nhân sang nước bạn để đào tạo. Hay đối với HTX Làng Gióng, cũng cần đến sự hợp tác tích cực từ các nhà khoa học, sự hỗ trợ của UBND xã Đặng Xá. Nói vậy để thấy rằng, có rất nhiều bài toán mà tổ chức, DN, cá nhân cần phải giải quyết để có thể tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Để có thể giải được những bài toán trên, nhiều ý kiến từ các tổ chức, DN, cá nhân cho rằng, cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực và hiệu quả hơn từ các sở, ban ngành, các địa phương. Đặc biệt, đối với 2 bài toán được xem là nan giải nhất hiện nay là vốn và khả năng tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Có như vậy, nông nghiệp CNC mới từng bước được khẳng định. Và mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp theo chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội mới có thể trở thành hiện thực.