Sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh thu các hợp tác xã tăng 15 - 20%

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, hiện cả nước có 1.580 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài; áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm; ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với các doanh nghiệp.

Khách chọn mua hàng hóa, nông sản tại hội chợ thương mại hợp tác xã tại Hà Nội.
Năm 2019, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 63 mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm tại 62 tỉnh, TP; hỗ trợ sinh kế cho 14 mô hình HTX; 8 mô hình HTX nhận chuyển giao công nghệ từ đề tài khoa học công nghệ và có gần 600 mô hình HTX do Liên minh HTX các tỉnh, TP phối hợp với các sở, ngành tại địa phương triển khai xây dựng.
Hoạt động sản xuất chủ yếu của các HTX theo chuỗi giá trị là: Trồng rau củ quả (19 HTX); trồng lúa (16 HTX); nuôi trồng thủy sản (8 HTX); chế biến cà phê, hạt tiêu, hạt điều (5 HTX); chăn nuôi gà, lợn (7 HTX); chế biến nông sản, mắm, miến dong (7 HTX); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan (1 HTX)...
Các mô hình đã góp phần mở rộng số lượng và quy mô HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Cải thiện năng lực quản trị, điều hành HTX. Đồng thời, gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Cụ thể, chi phí sản xuất kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 7%; doanh thu của HTX tăng 15 - 20%; lợi nhuận của HTX tăng từ 10 - 12%, mang lại nhiều hơn lợi ích cho thành viên HTX. Đặc biệt các dự án đã giúp HTX mở rộng sản xuất, tham gia sâu hơn vào các phân đoạn trong chuỗi giá trị sản phẩm; tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên và HTX; thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm của các HTX được mở rộng.