Sáng mai (17/7), bão số 2 mạnh cấp 9 đổ bộ vào đất liền

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (16/7), Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 2.

Thông tin tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hiện bão số 2 đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10. Dự kiến, đêm nay, bão sẽ tiệm cận vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Tới khoảng 4 giờ sáng mai (17/7), bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với cường độ khả năng ở cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay đến hết ngày 18/7, ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa theo nhận định đối với các tỉnh ven biển từ 250 - 350mm. Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 150 - 200mm. Riêng tại Hà Nội, lượng mưa sẽ ở mức 80 - 150mm.
Toàn cảnh đầu cầu Hà Nội tham gia hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 2 sáng 16/7.
Ông Hoàng Đức Cường cũng cho biết, trong đợt mưa lớn này, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ sẽ dao động ở mức báo động 1. Cần đề phòng gió mạnh và lốc sét tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất sau mưa lớn tại các tỉnh trung du và miền núi Phía Bắc.
Liên quan đến tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển, trong ngày hôm qua và sáng nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo Bộ đội biên phòng các tỉnh, TP ven biển triển khai lực lượng, tích cực thông tin, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, bao gồm cả tàu du lịch vào nơi trú tránh an toàn. Dù vậy, báo cáo của lãnh đạo 3 địa phương bão số 2 được dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cho thấy, vẫn còn một lượng lớn tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, công tác kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn đang được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng gấp rút triển kha và sẽ bảo đảm hoàn tất trước 17 giờ chiều nay (16/7).

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cung cấp thông tin: Hiện, các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã cơ bản xuống giống vụ Hè Thu. Vì vậy, công tác chống ngập úng cho diện tích lúa mới cấy là hết sức quan trọng. Bên cạnh chủ động tiêu thoát nước, các địa phương cần chuẩn bị mạ dự phòng để phục hồi lại diện tích có thể bị hư hại do úng ngập. Ngoài ra, cần thu hoạch sớm diện tích rau màu và cây ăn quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Trong một diễn biến liên quan, đại diện Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Bộ NN&PTNT) cho biết, bão số 2 đổ bộ vào 3 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) có số lượng hồ chứa lớn. Đây là điều hết sức đáng lo ngại. Do đó, các địa phương cần tổ chức ứng trực 24/24 giờ nhằm ứng phó kịp thời với sự cố hồ chứa thủy lợi có thể xảy ra. Cũng theo đại diện Vụ này, toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - nơi có khả năng chịu ảnh hưởng bão số 2 hiện có khoảng 1.000 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Trong đó, có 300 hồ chứa nguy cơ mất an toàn được đặt ở mức cao. Vụ cũng đã có thống kê cụ thể gửi Bộ NN&PTNT, các địa phương đề nghị có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình này.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm cơn bão số 1 năm 2016, dù được dự báo không mạnh bằng bão số 2 hiện nay, nhưng khi đổ bộ vào đất liền vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng, các địa phương, các bộ ngành liên quan không được phép chủ quan. Công việc trước mắt cần tập trung triển khai là khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn trước 17 giờ chiều nay. Chủ động tiêu thoát nước phòng ngừa úng ngập diện tích lúa Hè Thu mới gieo cấy. Tuy nhiên, cần chú ý theo dõi chặt chẽ lượng mưa để vẫn có đủ lượng nước trong hệ thống thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất.
Trước diễn biến mưa lớn, các địa phương, nhất là 3 tỉnh được dự báo bão số 2 sẽ đổ bộ trực tiếp gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, cần thông tin thường xuyên, tổ chức cảnh báo, hướng dẫn người dân việc đi lại qua các ngầm tràn, đường ngập nước, đò ngang đò dọc, khu vực bị ngập nước… Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng lưu ý các tỉnh, TP có đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng cần sẵn sàng phương án phòng chống úng ngập nội đô. Rà soát nhà cao tầng, cắt tỉa cây xanh nhằm bảo đảm an toàn công trình, việc đi lại của người dân khi mưa lớn diễn ra…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần