Sắp khai mạc Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn”, lần thứ tư

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lúc 17 giờ, ngày 12/12, tại Đại học Kiến trúc Hà Nội (Km 10, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn”, lần thứ tư.

Đã thành thông lệ, từ năm 2010, định kỳ 2 năm, một nhóm các nhà điêu khắc ở hai trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất cả nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại cùng nhau tổ chức triển lãm chung với tên gọi “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn”.

 Các thành viên Nhóm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn.

Nhóm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn được hình thành từ năm 2010, với mục tiêu ban đầu là gây dựng và phát triển một tinh thần cộng đồng mới trong giới điêu khắc, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc đến gần hơn nữa với cộng đồng xã hội. Chính vì thế, bên cạnh việc luân phiên tổ chức triển lãm ở hai TP, nhóm còn hướng đến mô hình triền lãm tại các không gian rộng lớn, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công chúng trẻ, trước tiên là những người cùng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Điêu khắc của tác giả Phạm Thái Bình.

Các triển lãm trước lần lượt được diễn ra tại Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Hà Nội, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và lần này là tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Việc tổ chức triển lãm và thảo luận về Điêu khắc - Kiến trúc ngay tại ngôi trường đào tạo kiến trúc sư hàng đầu trong nước được xem như một bước tiến mới của nhóm.Triển lãm không chỉ giới thiệu các sáng tác mới nhất hoặc chưa từng công bố mà còn là dịp để các nhà điêu khắc hai đầu đất nước dành thời gian chia sẻ với nhau về các cơ hội công việc và định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy sự mới mẻ trong lao động nghệ thuật của cá nhân, nhóm, cũng như phát hiện các nhân tố mới trong cộng đồng nghệ sĩ điêu khắc ngày càng lớn mạnh của đất nước.

 Tác phẩm điêu khắc của Thái Nhật Minh.

Trong lần triển lãm thứ tư này, nhóm tập hợp được một đội ngũ thành viên đông đảo nhất từ trước đến nay, gồm 28 nghệ sĩ với 56 sáng tác. Khoảng cách thế hệ giữa các nghệ sĩ là rất lớn, từ những người sinh ra trong nửa cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1980, cộng với cá tính sáng tạo, môi cảnh học tập, nghiên cứu, làm việc khác nhau, chắc chắn sẽ mang đến cho công chúng một sự đa dạng, phong phú các khuynh hướng và quan niệm sáng tác điêu khắc hiện nay.

Tác phẩm điêu khắc của Lương Văn Trịnh.

Sự đa dạng về kích thước và chất liệu, với gỗ, sắt hàn, inox, đồng, chất liệu tổng hợp,... của các sáng tác trong triển lãm tiếp tục là một điểm hấp dẫn công chúng, qua đó, thấy được trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm thẩm mỹ của mỗi nghệ sĩ, của cả nhóm như một phần thú vị của đời sống điêu khắc đương đại Việt Nam.

 Tác phẩm điêu khắc của Khổng Đỗ Tuyền.

Song song với triển lãm là hoạt động giao lưu, trao đổi nghề nghiệp với một buổi trò chuyện nghệ thuật, chủ đề “Điêu khắc với không gian và kiến trúc”, diễn ra tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, lúc 9 giờ, ngày 13/12, do nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, Viện Mỹ thuật – Đại học Mỹ thuật Việt Nam điều phối, cùng sự tham gia trao đổi của các nhà điêu khắc trong nhóm.

Tác phẩm điêu khắc của Đào Châu Hải.

Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn”, lần thứ tư kéo dài đến hết ngày 22/12. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần