Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Cần tiếp tục gỡ vướng từ cơ sở

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết ngày 21/2/2020 và UBND TP ban hành Quyết định 886 ngày 27/2/2020 về sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố (TDP) thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP năm 2020, các địa phương trong diện có tổ, thôn phải sắp xếp đã nhanh chóng thực hiện theo đúng yêu cầu.

 Lãnh đạo phường Phố Huế trao quyết định chỉ định tổ trưởng tổ dân phố lâm thời cho các cán bộ cơ sở. 

Bảo đảm tiến độ, tinh gọn bộ máy
Thực tế cho thấy, trước khi HĐND TP ban hành nghị quyết, các địa phương đều đã chuẩn bị những công việc cần thiết, khi có nghị quyết, quyết định của TP là sẵn sàng triển khai. Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn cho biết: Qua đợt sáp nhập này, TP giảm được hơn 2.000 thôn, TDP. Kèm theo đó giúp tinh gọn bộ máy ở cơ sở rất nhiều.
Sau 2 đợt sắp xếp theo Đề án 06-ĐA/TU (đợt 1 năm 2015), toàn TP giảm từ gần 10.000 chỉ còn hơn 5.000 thôn, TDP. Điểm khác nhau là đợt 1 TP ủy quyền cho UBND cấp huyện tự quyết định tiến hành sắp xếp; đợt 2 thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn
Điển hình tại phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), thực hiện kiện toàn giúp giảm từ 22 còn 8 TDP với quy mô 250 đến dưới 600 hộ dân, đồng bộ với mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị địa bàn dân cư. Ngay sau Nghị quyết HĐND TP và Quyết định 886 của UBND TP, UBND phường lập tức triển khai chỉ định tổ trưởng lâm thời cho 8 TDP mới và tổ chức trao quyết định này cho 8 ông, bà. Theo đúng quy định, trong 3 tháng từ khi có quyết định tổ trưởng lâm thời, ngay sau Đại hội Đảng bộ phường thì trong tháng 6/2020 phường sẽ tiến hành bầu chính thức tổ trưởng và tổ phó TDP (nếu TP quyết định có tổ phó TDP), áp dụng theo Quyết định 16 là họp đại diện các hộ dân để bầu.
Trong ngày 28/2/2020, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng ký ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện Quyết định 886/QĐ-UBND của UBND TP, trong đó, đối với những TDP mới, Chủ tịch phường cần ban hành quyết định chỉ định tổ trưởng TDP lâm thời để hoạt động cho đến khi TDP bầu được tổ trưởng mới (thời gian không quá 6 tháng). Tùy từng phường chọn hình thức bầu tổ trưởng là tổ chức tại hội nghị TDP hoặc tổ chức cuộc bầu cử riêng.
Theo Phòng Nội vụ quận, Quyết định 886 công nhận tại quận sắp xếp lại từ 905 TDP còn 378 TDP, trong đó 866 TDP sáp nhập. Các phường đang tiến hành chỉ định tổ trưởng TDP lâm thời với những TDP mới, sẽ hoàn thành trong tháng 3/2020. UBND quận cũng làm văn bản hướng dẫn các đơn vị về hình thức bầu cử, trong quý II/2020 sẽ hoàn thành việc bầu tổ trưởng TDP.
Tổ trưởng TDP: Mong hoàn thành tốt nhiệm vụ
Thực tế khảo sát cũng cho thấy, băn khoăn lớn nhất của nhiều cán bộ quận, phường, TDP hiện nay là rất mong sớm có hướng dẫn của TP về việc các TDP có được bố trí tổ phó hay không, cụ thể ra sao. Thông tư 14 của Bộ Nội vụ và Quyết định 16 của UBND TP quy định TDP 600 hộ trở lên mới có tổ phó, nhưng sau đó nhiều người dân, cán bộ cơ sở có kiến nghị, nên TP còn xem xét, sẽ có hướng dẫn.
Đơn cử quận Đống Đa dù chỉ có một số TDP trên 450 hộ, còn lại đều ít hơn, song khó khăn lớn bởi rất nhiều TDP là khu tập thể (KTT) cũ gồm nhiều nguyên đơn (KTT Trung Tự, Kim Liên…), cùng nhiều TDP là làng xóm có địa bàn rất rộng. Do đó đa số phường, TDP đều đề nghị có tổ phó để hỗ trợ công việc cho tổ trưởng. Hơn nữa, ngay sau sáp nhập, các TDP phải thực hiện bố trí các chức danh kiêm nhiệm, nên cơ sở khá nhiều khó khăn trong công tác nhân sự.
Cùng bày tỏ mong muốn TP căn cứ thực tế, nguyện vọng của cán bộ cơ sở để sớm có quyết định về tổ phó TDP, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phố Huế Phan Bá Tường còn chia sẻ: Bố trí địa điểm họp dân cũng là bài toán nan giải bởi đa số TDP sau sáp nhập đều có 300 - 500 hộ dân, mà ngay hội trường UBND phường chỉ chứa được tối đa 100 người. Hầu hết tổ trưởng lại nhiều tuổi, muốn tuyên truyền quy định mới hay thu các loại quỹ thì khó đi hết từng đó hộ dân, mà không phải đến hộ nào cũng gặp chủ nhà. Nhất là phường có những TDP gồm 4 - 5 tòa tập thể cũ, trong khi xây dựng cải tạo khu Tập thể Nguyễn Công Trứ nhiều chủ nhà không sống ở đó, khiến việc thu quỹ rất vất vả. UBND phường đang phải nghiên cứu ứng dụng CNTT vào điều hành bằng cách gửi thông báo trên mạng, mỗi TDP lại lập nhóm zalo để thông tin đến các hộ dân mỗi khi cần thu quỹ, hoặc gom các loại để thông báo thu một lần trong năm. Song, cùng với giải pháp của địa phương, ông Phan Bá Tường đề xuất TP nghiên cứu giảm bớt loại quỹ huy động người dân đóng góp, vì với cơ sở càng khó thực hiện khi đang giai đoạn dịch bệnh. Hơn nữa, TP nên sớm quản lý nhân khẩu bằng cách ứng dụng CNTT để giảm bớt gánh nặng cho cán bộ cơ sở.
Nhiều năm làm cán bộ cơ sở, bà Ngô Mai Hương - Tổ trưởng lâm thời TDP số 1 phường Phố Huế cũng bộc bạch rất lo vì sau sáp nhập 3 TDP 1A, 1B, 1C, hiện TDP số 1 có 352 hộ dân, gấp ba lần tổ 1A trước bà phụ trách. Địa bàn mở rộng gồm nhiều tuyến phố, lại đông dân, nên để hoàn thành các cuộc vận động, tuyên truyền đến người dân là rất khó khăn; càng phức tạp hơn khi xác nhận tình trạng hôn nhân, đất đai… vì với nhiều hộ mới nhập về, tổ trưởng phải nắm bắt từ đầu. “Tổ trưởng nhiều tuổi như tôi tuy nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nhưng sức khỏe hạn chế, nên dù được hỗ trợ nhưng e có những việc vẫn khó hoàn thành. Muốn tiếp tục đóng góp cho xã hội, song chúng tôi vẫn mong có thêm tổ phó hỗ trợ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”- bà Hương chia sẻ.
TDP là cầu nối giữa chính quyền và người dân, cán bộ TDP là lực lượng rất quan trọng, nhưng khối lượng công việc ở cơ sở ngày càng nhiều, nếu không có tổ phó thì rất vất vả trong thực hiện nhiệm vụ.
Phó Trưởng Phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh