Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Lắng nghe ý kiến từ cơ sở

Linh Nguyễn - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quận, huyện, xã, phường thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, TP và đã cơ bản tạo được đồng thuận của người dân về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố (TDP). Song khảo sát thực tế cho thấy, vẫn có không ít thách thức đặt ra cho công tác quản lý và chính cán bộ cơ sở để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tổ dân phố văn hóa khu B, cụm 591 xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
Khẩn trương đảm bảo tiến độ
Thực hiện Kế hoạch 109 ngày 29/11/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy “tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án 06-DA/TU ngày 24/9/2013” và Thông tư 14 ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều hướng dẫn tổ chức, hoạt động thôn, TDP, ngày 19/9/2019, UBND TP đã ra Quyết định 5241, Quyết định 16 ban hành Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, TDP và Quy chế tổ chức, hoạt động thôn, TDP trên địa bàn. TP đã giao các quận, huyện rà soát quy mô thôn, TDP; tổ chức hội nghị triển khai các văn bản, trong đó quán triệt sự thay đổi lớn nhất là TDP mới phải có tối thiểu 450 hộ và thôn mới tối thiểu 300 hộ; sẽ sáp nhập các TDP, thôn đạt dưới 50% tiêu chí đó.
Công tác kiện toàn nhiều khó khăn như vậy nhưng không thể không làm, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, đặc biệt quán triệt với những bác tiếp tục tham gia công tác địa phương, ngoài việc chính sẽ phải đảm nhận một số vị trí kiêm nhiệm. Chỉ mong quy mô TDP sẽ không tiếp tục tăng, vì nếu quá lớn thì tổ trưởng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Thạch Bảo Khôi
Ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng, qua rà soát toàn quận có 760 TDP, trong đó 6 TDP có 450 hộ trở lên, 18 TDP 225 - 450 hộ, 736 TDP dưới 225 hộ. Chủ tịch UBND quận đã yêu cầu các phường sắp xếp TDP đúng quy định theo hướng sáp nhập TDP hiện có dưới 225 hộ với TDP liền kề; khuyến khích sáp nhập các TDP khác có từ 250 hộ trở lên có điều kiện phù hợp để có TDP lớn hơn. 20/20 phường đã xây dựng xong đề án, đang lấy ý kiến cử tri để hoàn thiện hồ sơ trình HĐND phường. Dự kiến trước 5/11, UBND quận hoàn thiện hồ sơ báo cáo TP.
Tại quận Đống Đa, trong 905 TDP hiện có thì 95,1% TDP có dưới 225 hộ dân, còn lại trên 225 hộ. UBND quận đã xây dựng Kế hoạch 224/KH-UBND ngày 30/9/2019, qua đó, dự kiến sẽ sáp nhập từ 905 còn 375 TDP (41,43%). Đến nay, các phường cũng đã xây dựng phương án, tiến hành các bước đúng tiến độ. Điển hình tại phường Quang Trung với 29 TDP hiện có, đã xây dựng phương án sắp xếp còn 13 TDP, trong đó 12 TDP có 250 - 350 hộ. Với 1 TDP có 206 hộ, phường đã báo cáo quận xin cơ chế “đặc thù” vì không còn khu dân cư nào xung quanh để bổ sung theo đúng quy định. Đến nay, 10 TDP đã hoàn thành họp TDP. Dự kiến đến 25/10, phường hoàn thành toàn bộ các TDP họp lấy ý kiến Nhân dân; ngày 1/11 họp HĐND kỳ bất thường để thông qua nghị quyết về việc kiện toàn TDP.
Và những tâm tư
Dù kết quả khả quan, song nhiều cán bộ chia sẻ: Sau sáp nhập TDP, khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần, phân cấp lại ngày càng mạnh cho cơ sở, nhưng số người làm sẽ ít đi do nhiều chức danh kiêm nhiệm, tổ trưởng, cơ bản vẫn hoạt động theo cách truyền thống là đến tận nhà người dân… Càng khó hơn khi theo quy định mới, TDP sau sáp nhập không còn tổ phó, trừ số ít TDP có 600 hộ trở lên.
Theo quy định, TDP mới sau sáp nhập sẽ không còn chức danh tổ phó, việc này gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, bởi thực tế những TDP trước sáp nhập với số hộ ít hơn và có tổ phó mà công việc đã nhiều lúc không làm xuể. Đặc biệt, nhiều người dân nhận được thông tin tổ trưởng TDP sau sáp nhập phải là đảng viên thì không tán thành, bởi nếu quy định như thế sẽ rất khó bầu được một người tổ trưởng. Tôi đề nghị trước khi thực hiện sáp nhập, cần tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến Nhân dân nhằm đảm bảo khách quan.
Tổ trưởng TDP số 5 phường Quang Trung Nguyễn Văn Tiến
Dẫn chứng tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), là một trong những phường có đông dân nhất TP, từ 89 TDP sẽ chỉ còn 39 TDP. Với đặc thù rất nhiều TDP phải sáp nhập, dù cán bộ và người dân đã đồng thuận song cán bộ cơ sở còn khá tâm tư. Nếu trước đây mỗi TDP chỉ có trên dưới 100 hộ thì nay tối thiểu phải 250 hộ, sau sắp xếp tại phường cũng chỉ vài TDP có ít hộ dân như vậy, còn đa số trên 400 hộ. TDP đông hộ dân nhưng không có tổ phó, khiến việc triển khai các chủ trương, chính sách đến người dân chắc chắn sẽ vất vả hơn nhiều. “Tổ trưởng liên tục phải triển khai quy định mới từ T.Ư, TP, quận, phường đến người dân, từ phổ biến pháp luật đến vận động ủng hộ quỹ, thu thuế… Cấp trên luôn yêu cầu cơ sở triển khai nhanh, nhưng với mô hình tới 500 - 600 hộ/TDP mà chỉ 1 tổ trưởng phụ trách, chúng tôi chưa hình dung được sẽ xoay sở ra sao. Do đó, cần có lộ trình dần dần cho phường, xã trong công tác sắp xếp này, nhất là thời gian đầu sau kiện toàn; có thể ghép thêm TDP, miễn sao TDP đông trên 400 hộ cũng được bố trí tổ phó” - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thị Minh Vân thẳng thắn chia sẻ.
Tương tự, phường Quang Trung (quận Đống Đa) dù có ít TDP nhưng việc kiện toàn TDP cũng gặp không ít khó khăn. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Anh Tuấn, phường vừa tổ chức triển khai đến từng Bí thư chi bộ, Tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác mặt trận các TDP, khu dân cư về chủ trương sáp nhập TDP đã “vấp” phải phản ứng không tích cực liên quan đến quy định TDP mới sau sắp xếp không có tổ phó. Trong khi, quy mô nhiều TDP sau sắp xếp có số hộ dân gần gấp đôi so với trước, và bản thân các tổ trưởng đều là người đã nghỉ hưu. “Những người độ tuổi này sức khỏe hạn chế mà phải đảm nhận nhiều công việc như vậy, e không đáp ứng được nhiệm vụ. Thậm chí ngay tại các hội nghị, hầu hết cán bộ cơ sở trong TDP cũ đã xin nghỉ không tham gia nữa. Song, sau quá trình tuyên truyền, cơ bản các tổ trưởng TDP đã đồng thuận với chủ trương của TP” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Ban công tác mặt trận địa bàn dân cư số 21 phường Vĩnh Tuy bày tỏ: Thật sự chỉ muốn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, mong mỗi TDP có tối thiểu 2 người cùng gánh vác, việc nhiều khi tổ trưởng ốm hoặc có việc đột xuất… thì còn có tổ phó làm thay. “Quả thực nhiều người không dám tiếp tục nhận trọng trách tổ trưởng nữa bởi lo không hoàn thành nhiệm vụ khi đánh giá đảng viên cuối năm”- bà Hoan chia sẻ. Cùng tâm tư này, Tổ trưởng TDP 8D phường Thanh Nhàn Nguyễn Thị Xoan với 25 năm công tác ở cơ sở cho rằng, dù áp dụng công nghệ thông tin đến đâu thì để vận động người dân ủng hộ các quỹ, nộp thuế, tham gia phong trào thi đua, hay đơn giản nhất là treo cờ vào ngày lễ… tổ trưởng vẫn phải đến tận nhà, không chỉ một lần là họ đồng thuận ngay. Nếu không có tổ phó hỗ trợ, tổ trưởng rất khó tròn vai. Đặc biệt, để thực hiện tốt chủ trương sáp nhập này cần nỗ lực của cả hệ thống, trong đó cơ sở vật chất, mặt bằng nơi sinh hoạt cộng đồng cần được đầu tư ra sao để khi họp hành có thể chứa được 300 - 400, thậm chí 500 - 600 đại diện hộ dân.
TP hiện có 10,9% số thôn quy mô dưới 150 hộ, trong khi tới 74,1% số TDP dưới 225 hộ. Sở đã ban hành hướng dẫn chi tiết; trong quá trình triển khai các đơn vị đảm bảo tiến độ song vẫn cần thận trọng từng bước. TP cũng đã chỉ đạo rõ, với địa bàn đặc thù có quy mô hộ dân chưa đạt theo tiêu chí thì tạm thời giữ nguyên.
Theo lộ trình chậm nhất 10/11 các địa phương phải gửi phương án về Sở Nội vụ. Đến nay Sở đã nhận được phương án hoàn thiện của các quận, huyện Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thạch Thất, Phú Xuyên… Dự kiến kỳ họp HĐND TP cuối năm, TP trình phương án tổng thể trên cơ sở phương án quận, huyện gửi lên.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà