Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: “Việc bố trí người” chứ không phải “người bố trí việc”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều nay (14/5), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc của đoàn giám sát của HĐND TP với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP (BQLDA) về kết quả thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC và các chỉ đạo về cải cách hành chính.rn

 Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát tại BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội
Theo Giám đốc BQLDA Phạm Hoàng Tuấn, thực hiện công tác này, tập thể cấp ủy- lãnh đạo Ban đã lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm chính sách tinh giản biên chế (TGBC) theo Nghị quyết 39-NQ/TW, Nghị định 108 của Chính phủ, Nghị quyết 19 của BCH T.Ư khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), cùng các văn bản hướng dẫn của TP.
Dù vậy, khó khăn nhất là tuy số người của Ban hàng năm đều giảm nhưng thực chất do cán bộ, viên chức, NLĐ tự xin chuyển công tác hoặc chấm dứt hợp đồng, trong đó nhiều người chuyên môn nghiệp vụ tốt, nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Ban. Việc sắp xếp bộ máy đã giảm nhiều đầu mối và hoạt động ổn định nhưng do nguồn thu của Ban mất cân đối nên hiện rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều bất cập trong thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, công tác TGBC hạn chế do các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đầy đủ, phù hợp chức năng nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, lĩnh vực, nhất là các BQL dự án của TP có tồn tại từ nhiều năm trước chưa được giải quyết dứt điểm trước khi hợp nhất.
Cụ thể, BQLDA mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất 7 ban cũ, đã tiếp nhận 187 dự án nhưng chủ yếu là chuyển tiếp, trong đó 136 dự án cũ phải quyết toán và xử lý tồn đọng, giải quyết công nợ, trong khi không có nguồn thu, nhiều cán bộ cũ chuyển công tác. Nhiều dự án kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm trước khi sáp nhập, đến nay không còn nguồn thu từ quản lý dự án, nhiều cán bộ đã chuyển công tác hoặc nghỉ việc, nhưng Ban phải tiếp nhận để tháo gỡ khó khăn hoàn thành dự án.
Đến thời điểm này, Ban có 283 dự án, trong đó 187 dự án tiếp nhận từ 7 ban cũ, 96 dự án được giao mới. Do các dự án chủ yếu ở nội đô nên công tác GPMB, tái định cư lớn, tỷ trọng vốn dùng cho GPMB chiếm trên 50%, khiến việc trích kinh phí phục vụ quản lý dự án là thấp, không đủ chi phí thường xuyên của Ban.
Từ khó khăn hiện nay, lãnh đạo BQLDA đề nghị TP sớm xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện TGBC với các đối tượng thuộc ĐVSNCL của TP, chấp thuận cho Ban xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng viên chức năm 2019 theo Đề án vị trí việc làm được duyệt, đảm bảo biên chế được giao.
Đặc biệt, đề nghị TP xem xét giao thêm dự án mới cho Ban quản lý để có nguồn kinh phí hoạt động, xóa khoản nợ của các ban cũ trước khi hợp nhất. Hiện chi phí thường xuyên của BQLDA chỉ đủ đến hết quý 1/2019 (chưa có kinh phí trả lương tháng 4/2019), nên đề nghị UBND TP sớm phê duyệt dự toán chi phí Ban năm 2019 trong đó cho phép chi công tác phí, phụ cấp lương... tạo điều kiện cho Ban ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ.
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng đoàn giám sát phát biểu.
Lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: BQLDA được thành lập từ năm 2017 với kỳ vọng công tác TGBC, sắp xếp bộ máy sẽ đạt hiệu quả cao. Qua 2 năm cho thấy, BQLDA đã tổ chức quán triệt triển khai nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của T.Ư và TP, với số biên chế, đầu mối phòng ban, lãnh đạo phòng ban giảm đáng kể và quan trọng là không có đơn thư khiếu nại về sắp xếp bộ máy, hoạt động sau hợp nhất bước đầu thể hiện hiệu quả, nội bộ đoàn kết.
Chia sẻ với khó khăn của BQLDA, Trưởng đoàn đề nghị đơn vị thực hiện thật tốt Nghị quyết 39-NQ/TW, kỷ cương hành chính, cải cách hành chính. “Quan trọng nhất là sau sắp xếp phải đạt hiệu quả chứ không chỉ thuần túy giảm số người, còn công việc lại bị kéo dài thời gian thực hiện. Do đó, BQLDA cần chủ động cơ cấu lại, trên cơ sở nhiệm vụ được TP giao thì chủ động về con người - “việc bố trí người” chứ không phải “người bố trí việc””, Trưởng đoàn nhấn manh.
Liên quan đến các tồn tại cũ, đồng chí đề nghị BQLDA xây dựng kế hoạch cụ thể để xử lý, trong đó bố trí một bộ phận riêng để giải quyết tồn tại về quyết toán các công trình. Để có nhiều dự án, Ban cần triển khai các dự án đang có đảm bảo chất lượng, nhanh gọn, hiệu quả. Với các vướng mắc hiện nay, từ người đứng đầu cần chủ động trao đổi với các sở, ngành, quận, huyện liên quan; ngược lại về phía sở, ngành cũng cần tích cực phối hợp để tháo gỡ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần