Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua hơn nửa tháng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội “về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc TP Hà Nội”, các phường mới sau sáp nhập tại quận Hai Bà Trưng đang khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong chuyển đổi giấy tờ hành chính liên quan.

Công chức bộ phận một cửa UBND phường Nguyễn Du (mới) hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính.
Không có bức xúc
Từ ngày 1/3, phường Nguyễn Du mới chính thức hoạt động trên cơ sở hợp nhất phường Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân và một phần phường Ngô Thì Nhậm; phường Phạm Đình Hổ mới trên cơ sở hợp nhất phần còn lại phường Ngô Thì Nhậm với phường Phạm Đình Hổ. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong đã quán triệt, quá trình này phải tạo mọi thuận lợi để ĐVHC mới hoạt động ổn định, không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch hành chính của người dân; giải quyết chế độ hợp lý cho cán bộ, công chức (CBCC), có lộ trình bố trí đúng số lượng. Khi chuyển đổi địa chỉ trên giấy tờ, người dân không phải nộp bất kỳ phí nào, nếu giấy tờ đã được cơ quan thẩm quyền cấp theo ĐVHC cũ chưa hết thời hạn quy định thì vẫn được sử dụng...
Chủ trương sáp nhập phường được hiện thực hóa giúp tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ. Song, chúng tôi mong lúc giao thời để không gây xáo trộn lớn thì trong thời gian ngắn nhất, việc thực hiện thủ tục giấy tờ liên quan được chính quyền hướng dẫn cụ thể, vừa thuận tiện tối đa cho người dân, vừa để cán bộ làm việc hiệu quả.

Anh Trần Anh Tuấn (172 Bà Triệu, phường Nguyễn Du)
Từ chỉ đạo này, phường Phạm Đình Hổ mới trong thời gian rất ngắn đã tổ chức xong bộ phận một cửa (BPMC), chỉ đạo CBCC tập trung xác nhận chuyển đổi địa chỉ trên giấy tờ cho người dân, báo cáo quận hướng dẫn giải quyết. Với 6.000 người bị ảnh hưởng do đổi tên phường trên hộ khẩu, cảnh sát khu vực đến tận tổ dân phố (TDP) tổng hợp trường hợp cần đính chính, mang sổ trực tiếp đi làm rồi trả tận nhà. Với “sổ đỏ”, giấy đăng ký kinh doanh… không thuộc thẩm quyền, phường hướng dẫn người dân đến cơ quan ngành dọc. Tới nay, BPMC chưa nhận được phản ánh, bức xúc gì của người dân do vướng mắc trong chuyển đổi giấy tờ.
Sau lễ ra mắt chiều 1/3, dù vào Chủ nhật, UBND phường Nguyễn Du mới đã phân công ngay CBCC trực BPMC phục vụ công chứng, đính chính địa chỉ trên những giấy tờ bị ảnh hưởng. UBND phường đã treo biển “cập nhật, chuyển đổi giấy tờ miễn phí cho người dân” tại BPMC và thông báo đến các hộ. “Tinh thần của chúng tôi là luôn sẵn sàng hướng dẫn khi người dân cần đính chính giấy tờ”- công chức BPMC phường Nguyễn Du Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ.
Cần hỗ trợ cho cơ sở
Về ổn định tổ chức bộ máy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức cho biết: Phường thực hiện nghiêm chỉ đạo của quận là CBCC đang phụ trách mảng nào thì tiếp tục chịu trách nhiệm hoàn toàn, tránh sót việc trong giai đoạn chuyển đổi. Với số CBCC dôi dư, quận sẽ bố trí phù hợp.
Thực hiện Nghị quyết HĐND TP ngày 21/2/2019 về sáp nhập TDP, giữa các phường cũ cũng đã thống nhất đánh số TDP cho phù hợp. Như phường Phạm Đình Hổ giảm còn 8 TDP thì đánh số từ 1 - 8, phường Ngô Thì Nhậm giảm còn 5 TDP đánh số 9 - 13. Khi nhập hai phường, các TDP giữ nguyên số 1 - 13. “Với số CBCC dôi dư, quận, phường sẽ sắp xếp xong trong năm 2021 - 2022. Trước mắt, cộng quân số hai bên lại; phường phân công bảo đảm đồng bộ các vị trí sau hợp nhất, đến nay bộ máy hoạt động ổn định. Khó tránh khỏi băn khoăn nhưng cả cán bộ chủ chốt và những người hoạt động không chuyên trách đã dần thông suốt, bởi từ đầu năm ngoái chúng tôi đã trao đổi dần về việc sáp nhập, xác định rõ tư tưởng với cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, chỉ trong vài ngày trước khi thực hiện Nghị quyết, phường đã thay đổi xong bộ máy”- Bí thư Đảng ủy phường Phạm Đình Hổ Lê Việt Hùng cho hay.
Thực tế cũng cho thấy, khó khăn lớn là sau khi ra mắt, ĐVHC phường mới phải tiến hành sáp nhập TDP luôn, trong khi tổ trưởng TDP mới chưa thể sâu sát, lại không có tổ phó. Bối cảnh dịch bệnh, phường mới sáp nhập quá nhiều việc phát sinh, địa bàn rộng, dân số tăng gần gấp đôi, với số CBCC phường giữ nguyên mà cán bộ cơ sở giảm đi nhiều, rõ ràng bị quá tải.
Tại phường Nguyễn Du, UBND phường có 3 lãnh đạo, còn lại công chức, chia ra quản lý tới 11.000 dân tại 10 TDP. Phường có 25 tuyến phố văn minh đô thị, nhiều nhất quận; mỗi TDP 300 - 400 hộ, để đưa một giấy mời thì tổ trưởng mất 2 - 3 ngày. Với TDP đông dân, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng không thể đáp ứng. Như TDP số 10 phường Nguyễn Du gần 300 hộ, khi họp phải có tối thiểu 150 người dự nhưng điểm sinh hoạt cộng đồng số 18 Nguyễn Thượng Hiền chỉ chứa được tối đa 70 người; nếu phân thành nhiều cuộc, tổ trưởng không đủ sức chủ trì. Ngoài ra, trụ sở phường loại 2 chỉ đủ cho 30 người nhưng sau sáp nhập UBND phường có hơn 40 người.
“Nhiều việc phát sinh khi sáp nhập mà cơ sở chưa lường hết được, lúc giao thời cần điều chỉnh dần, tránh xáo trộn sinh hoạt Nhân dân. Đây là những khó khăn chung của các phường, xã sáp nhập nên mong sớm được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể. Trong đó, cần quan tâm hơn chế độ cho cán bộ cơ sở, CBCC phường; đầu tư trụ sở cơ quan căn cứ số phòng ban, dân số phải quản lý. Luân chuyển CBCC cũng cần theo nguyện vọng, chuyên môn CBCC, bởi đúng sở trường thì họ sẽ tâm huyết với công việc” - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức đề nghị.