Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp lại mạng lưới vận tải khách tại Hà Nội: Giảm áp lực giao thông cho nội thành

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến đề xuất điều chỉnh lộ trình hơn 400 lượt xe khách quá cảnh và các biện pháp xử lý xe khách “trá hình” trên địa bàn Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà.

 Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà.
Cần thiết điều chỉnh lộ trình xe quá cảnh

Theo ông, hiện mạng lưới vận tải hành khách (VTHK) của Hà Nội đang tồn tại những bất cập, hạn chế gì?

- VTHK là một trong những lĩnh vực kinh doanh phức tạp nhất hiện nay, không chỉ riêng đối với Hà Nội. Theo tôi, có 2 vấn đề cần tập trung nghiên cứu, giải quyết để có thể sắp xếp lại mạng lưới VTHK hợp lý, hiệu quả, góp phần hạn chế áp lực giao thông cho khu vực nội thành. Đó là hơn 400 lượt xe khách quá cảnh Hà Nội mỗi ngày và hiện tượng xe khách “trá hình” đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Vì sao xe khách quá cảnh lại tạo nên áp lực cho giao thông Hà Nội và sẽ được điều chỉnh ra sao, thưa ông?

- Thống kê cho thấy, hiện nay có hơn 400 lượt xe khách tuyến cố định liên tỉnh không có điểm đầu, cuối mà chỉ đi qua và đang trực tiếp gây áp lực lên giao thông Hà Nội. Các tuyến này chủ yếu lưu thông qua Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vành đai 3 - Phạm Văn Đồng, QL5. Đây đều là những trục chính, mật độ giao thông rất lớn. Đáng nói là một số phương tiện còn dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, gây phức tạp về ATGT trên địa bàn Thủ đô. Mặt khác, tuyến đường Vành đai 3 - Phạm Văn Đồng đang được thi công, đoạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, chủ đầu tư sẽ phải rào chắn đường để phục vụ thi công, diện tích mặt đường sẽ bị thu hẹp. Vì vậy cần phải điều chỉnh để giảm lưu lượng giao thông xuống mức thấp nhất có thể.
Xe hợp đồng chạy khách liên tỉnh bị Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tạm giữ sáng 28/3. Ảnh: Ngọc Hải
Sau khi rà soát, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh hơn 400 lượt xe nêu trên. Chủ yếu các hướng tuyến từ phía Đông và Đông Nam TP, đi đến Vành đai 3 sẽ không rẽ trái về Bến xe Mỹ Đình nữa, mà rẽ phải đi qua Thanh Trì - QL5 kéo dài lên phía Bắc và Tây Bắc. Một số tuyến xe đi từ Bến xe Sơn Tây có lộ trình đi về phía Nam và Đông Nam TP, thay vì đi theo QL32 đi Bến xe Mỹ Đình, lên Vành đai 3, sang QL5, QL1 được đề xuất điều chỉnh đi theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã tổ chức Hội nghị do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì để lấy ý kiến của các Sở GTVT liên quan, cơ bản Tổng cục Đường bộ, các Sở GTVT đều ủng hộ chủ trương này. Sở GTVT Hà Nội vừa chính thức trình phương án lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT để điều chỉnh trong kỳ quy hoạch gần nhất và mong rằng sẽ thực hiện điều chỉnh trong quý II/2018.

Liệu việc điều chuyển có làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN và người dân?

- Thực tế đây là các tuyến chỉ đi qua chứ không được quy hoạch để phục vụ Hà Nội, do đó chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới người dân. Đối với DN, trên các tuyến đường dự kiến tiếp nhận xe khách sau điều chỉnh đã có đầy đủ các điều kiện hậu cần như trạm cấp nhiên liệu, điểm dừng nghỉ… nên cũng không có khó khăn gì cho DN. Mặt khác, chúng tôi không khuyến khích xe khách quá cảnh dừng đỗ trên địa bàn TP để đón trả khách; mạng lưới VTHK riêng của Hà Nội cũng đã đủ năng lực đáp ứng cho người dân. Vì vậy, tôi khẳng định sẽ không có ảnh hưởng gì tiêu cực đến cả DN lẫn người dân.

Không thỏa hiệp với xe “trá hình”

Còn về vấn đề xe khách “trá hình” thì sao, thưa ông?

- Thời gian qua, có hiện tượng các bến xe vắng khách; DN chấp hành đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước thì kết quả kinh doanh giảm sút. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, và phát hiện có tình trạng các phương tiện xe hợp đồng nhưng lại kinh doanh không đúng bản chất mà hoạt động như xe khách tuyến cố định. Chính lực lượng xe khách “trá hình” này đang vừa gây mất trật tự, ATGT trên địa bàn TP, vừa khiến các DN làm ăn chân chính phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Đây cũng là một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết, xử lý triệt để càng sớm càng tốt để giảm thiểu áp lực giao thông và ổn định thị trường VTHK tại Hà Nội.

Theo ông, cần có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

- Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT một mặt tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bám chắc địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, Sở đã có văn bản gửi Công an TP, các lực lượng và chính quyền địa phương liên quan cùng phối hợp giải quyết, triệt xóa các tụ điểm lộn xộn, đã phát sinh hoặc có nguy cơ xuất hiện bến “cóc”, điểm đón trả khách cho xe “trá hình”.

Phải nhìn nhận thực tế rằng, thời gian qua, công tác xử lý xe khách “trá hình” chưa đem lại kết quả như mong đợi. Mà nguyên nhân có phần do công tác phối hợp giữa Thanh tra GTVT và các địa phương chưa hiệu quả, quyết liệt. Từ ngày 20/3, Sở đã xây dựng kế hoạch, phối hợp liên ngành kiểm tra sâu, kỹ hơn với các DN, tập trung các điểm đầu mối gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là xung quanh các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Chúng tôi cũng chủ động thu thập hồ sơ, xác định vi phạm, chuẩn bị đề xuất địa phương và ngành chức năng thu hồi giấy phép hoạt động của các văn phòng, chi nhánh núp bóng kinh doanh vận tải du lịch để đưa đón khách liên tỉnh.

Ông suy nghĩ như thế nào về đề xuất nên nghiên cứu đưa xe hợp đồng Limousine vào quản lý, thành lập một điểm đón khách trong TP?

- Chúng tôi luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là nếu hợp thức cho hoạt động đón trả khách như tuyến cố định của xe khách “trá hình” sẽ có thể dẫn đến phát sinh bến “cóc” tại nhiều nơi trong TP. Cái lợi thì chưa biết thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiếu cực đến trật tự, ATGT của Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!