Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả: Đề xuất tăng tính chủ động

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Sở Nội vụ vừa cho biết, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đang thực hiện khảo sát, đánh giá tại một số tỉnh, TP về tổ chức cơ quan chuyên môn địa phương theo Nghị định (NĐ) số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 và NĐ số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/4/2014 của Chính phủ. Trong đó, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo, đề xuất cụ thể về vấn đề này.

Theo đó, để kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn ở địa phương, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm các Nghị quyết của T.Ư với định hướng rõ ràng: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phù hợp tính chất, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Với dự thảo NĐ thay thế NĐ 24/2014/NĐ-CP, về quy định số lượng, tên gọi cơ quan chuyên môn, văn bản của UBND TP nêu rõ, Điều 8 có quy định danh mục 21 sở; Điều 9 cũng quy định tổ chức 21 sở nếu địa phương giữ ổn định (tổ chức 7 sở thống nhất, 10 sở do địa phương quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất, 4 sở đủ tiêu chí thì xem xét thành lập). Như vậy mâu thuẫn với khoản 6 Điều 9 lại quy định tối đa cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 20 sở. Vì vậy, UBND TP đề nghị quy định tối đa các sở bằng với danh mục 21 sở. Về quy định hợp nhất, sáp nhập và không thành lập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND TP cho rằng, Hà Nội là đô thị hạng đặc biệt, Thủ đô cả nước, diện tích tự nhiên lớn, lượng công việc quản lý nhà nước rất lớn, nên việc quy định Sở Tài chính hợp nhất với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng hợp nhất Sở GTVT và một số sở là rất khó khăn. Song, dự thảo đã quy định mở do UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh quyết định là phù hợp thực tiễn, nâng cao tính tự chủ cho các địa phương. TP cũng đề nghị thêm điều khoản về tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù khác (nếu có), để chủ động khi có phát sinh.

Về quy định số Phó Giám đốc (PGĐ) sở, TP nhất trí phương án 1 theo đề xuất của Bộ Nội vụ (với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sở có 6 đầu mối tổ chức trở lên thì được bố trí không quá 4 PGĐ, có dưới 6 đầu mối thì không quá 3 PGĐ). Với số Phó Chi cục trưởng thuộc sở, dự thảo quy định chi cục có 4 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 2 Phó Chi cục trưởng. Theo UBND TP, Hà Nội hiện có 3 chi cục và tương đương đặc thù (Chi cục Quản lý thị trường - QLTT, Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Giao thông), ngoài các phòng ban trực thuộc, còn có hơn 30 đội theo địa bàn với biên chế lớn, nên quy định 2 Phó Chi cục trưởng và tương đương là không phù hợp. Do đó, TP đề xuất với các cơ quan đặc thù (Chi cục QLTT, Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Giao thông) cần thực hiện như quy định về số PGĐ sở hoặc quy định riêng.

Đồng thời, góp ý vào dự thảo sửa đổi NĐ 37/2014/NĐ-CP, trong quy định về số cơ quan chuyên môn (điểm a, khoản 7, Điều 8), UBND TP đề nghị điều chỉnh từ “không quá 12 phòng” thành “không quá 13 phòng” đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I, để chủ động với những huyện có thêm Phòng Dân tộc ngoài 12 phòng được tổ chức thống nhất. Về quy định thành lập Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế & Hạ tầng tại huyện, UBND TP đề nghị, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có tốc độ đô thị hóa cao được quyết định các phòng như đối với quận (Kinh tế, Quản lý đô thị).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần