Không gia tăng tình trạng khám bệnh trái tuyến
Theo Giám đốc BV đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, sau gần 2 tuần thông tuyến BHYT, BV chưa ghi nhận sự tăng đột biến người dân khám trái tuyến cũng như những phát sinh, bất cập. Có thể do những ngày qua đúng vào đợt rét nên số lượng bệnh nhân đi khám, điều trị cũng giảm hẳn so với bình thường, kể cả bệnh nhân tuyến tỉnh. Kể cả lượng bệnh nhân nội trú vẫn thấp, giảm hơn so với bình thường, nếu như trước đó, BV điều trị từ 650 - 680 bệnh nhân nội trú thì từ sau ngày 1/1 đến nay, BV chỉ còn 580 - 600 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho biết, thời gian qua, BV đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế nắm rõ về quy định thông tuyến BHYT nội trú để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân cũng như quản lý bảo hiểm. Cụ thể, khi người dân đến khám chữa bệnh (KCB), nhân viên y tế phải giải thích và hướng dẫn tận tình, chu đáo. Tuy nhiên, mỗi người trước khi đi khám cũng nên tìm hiểu để tránh nhầm lẫn. Đặc biệt là quy định chỉ được hưởng BHYT trái tuyến trong điều trị nội trú chứ không phải ngoại trú, nghĩa là những người đi khám bệnh dịch vụ, tự nguyện vẫn phải chi trả như bình thường.Tương tự, Giám đốc BV đa Khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên cho biết, từ ngày 1/1/2021 đến nay, BV khám, điều trị cho hơn 400 bệnh nhân nội trú, (giảm so với trước đó) do thời tiết rét đậm kéo dài. “Chúng ta phải đợi sau một thời gian mới đánh giá được những vướng mắc trong thông tuyến BHYT. Quan trọng, trong quá trình thực hiện, các BV phải quản lý bệnh nhân và biện pháp triển khai thông tuyến BHYT sao cho hiệu quả”- Giám đốc BV đa khoa huyện Thạch Thất nhấn mạnh.Vẫn còn không ít bất cậpThời gian qua, nhiều người cho rằng, từ 1/1/2021, người dân có thẻ BHYT được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh do Quỹ BHYT chi trả khi đi KCB tại bất kỳ BV tuyến tỉnh nào trong cả nước. Đây là cách hiểu chưa đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng nêu lên những băn khoăn, bất cập mà họ gặp phải.Trong thời gian đi công tác tại Quảng Ninh, anh Chí Cường (quê Ba Vì, Hà Nội) bị mệt, khó thở được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh để khám, sau đó được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. “Tôi có nghe thông tin về việc thông tuyến BHYT. Bản thân tôi nhập viện thì điều trị nội trú sẽ hưởng mức thanh toán do BHYT chi trả là 100%. Tuy nhiên, trước khi nhập viện, tôi phải khám ngoại trú và trả tiền cho các xét nghiệm tốn kém như chụp X-quang, MRI, CT, xét nghiệm. Tôi thấy đây là một trong những bất cập khi thông tuyến BHYT”- anh Cường băn khoăn.Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từ quê Ninh Bình lên ở với con cháu đã 10 năm nay tại Hà Nội. Sức khỏe của tôi ngày càng giảm sút bởi bản thân mắc bệnh tim, thoát vị đĩa đệm nhiều năm. Được biết, thông tuyến BHYT năm 2021 có nhiều điểm lợi cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định rõ ràng như thế nào thì người bệnh được chỉ định nội trú, ngoại trú. Điều này khiến nhiều người dân không biết, chạy lên tuyến tỉnh khám, xét nghiệm tốn kém, khi không được điều trị nội trú lại quay về”.Đề cập tới vấn đề này, Trưởng Ban thực hiện Chính sách, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết, từ 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi KCB không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến tại các BV tuyến tỉnh, nếu được chỉ định điều trị nội trú, thì sẽ được BHYT thanh toán 100% chi phí theo mức hưởng của nhóm đối tượng đó. Quy định này chỉ áp dụng cho bệnh nhân điều trị nội trú, không áp dụng cho KCB ngoại trú. Đây là chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu điều trị tại BV tuyến tỉnh, đặc biệt thuận lợi cho những người đang đi công tác. Song quá trình thực thi sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là sự quá tải tại BV tuyến tỉnh trong khi các cơ sở chưa đáp ứng được về nhân lực, vật lực.Hiện nay, người có thẻ BHYT đều được đăng ký KCB ban đầu từ tuyến huyện lên tuyến T.Ư, đối với tuyến huyện đã được thông tuyến BHYT từ năm 2016. Trong khi, các cơ sở y tế tuyến huyện đạt chất lượng tốt, nhiều BV huyện đạt BV hạng II, thậm chí BV hạng I, điều kiện về xét nghiệm, chẩn đoán khá tốt. “Người bệnh nên đến cơ sở KCB ban đầu để thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán. Bởi, nếu người dân đến tuyến tỉnh ngay thì không chủ động được tình trạng bệnh của mình có được điều trị nội trú hay không. Nếu trong trường hợp bệnh nặng, quá khả năng của tuyến huyện thì cơ sở KCB tuyến huyện sẽ chuyển lên tuyến tỉnh. Tới lúc đó, dù KCB ngoại trú hay điều trị nội trú cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi, không phải đồng chi trả mức quá lớn điều trị nội trú hoặc không phải tự chi trả KCB ngoại trú”- ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.
"Vấn đề thông tuyến BHYT mới dừng lại đối với điều trị nội trú trong khi nhu cầu khám bệnh của người tham gia BHYT mới nhiều. Đơn cử, người ở Hà Nội đi vào Đắk Lắk công tác, bị bệnh không nặng nhưng cần khám ngay. Trong khi đó, theo quy định, khám thì không được thông tuyến, chỉ có nằm điều trị mới được thông tuyến. Điều này có 2 hệ lụy. Đó là người KCB chưa thực sự được thuận lợi. Và người bệnh tìm cách vào viện để được cấp phát thuốc theo BHYT nên dẫn đến phải nói dối. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho BV và BHYT cũng phải thanh toán nhiều hơn. Nếu BHYT chi trả cho cả điều trị ngoại trú thì người bệnh đến khám, cấp thuốc, mua thuốc về sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. " - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí |