“Sau bão” đón chặng đường bình yên trong thơ Đoàn Ngọc Thu

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 30 năm một chặng đường nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu gắn bó với thơ. Giữa tháng 8/2020, chị tổ chức ra mắt cùng lúc 2 tập thơ “Sau bão” và “Thu không” tại Hà Nội, không phải để tổng kết, khép một chặng đượng thơ mà còn tiếp tục mở ra những con đường mới đầy khắc khoải nhưng cũng vô cùng chân thành và giản dị trong thơ của Đoàn Ngọc Thu.

 Tập thơ "Sau bão" của nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu vừa được ra mắt độc giả yêu thơ hồi giữa tháng 8/2020
Tập thơ “Sau bão” gồm 65 bài thơ được nhà thơ Đoàn Ngọc Thu sáng tác trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, là nhiều tác phẩm như những lời tự sự chất chứa đầy tâm tư ngổn ngang, những nốt lặng, những cơn bão lốc mới…
Họa sĩ Trịnh Tú cũng từng bày tỏ “Tình yêu trong thơ Đoàn Ngọc Thu đã luôn khắc khoải, khoắc khoải từ khi ngập tràn hạnh phúc, đến ngập tràn đớn đau”.
 “Bão là một từ xuất hiện rất nhiều trong thơ của Thu, thậm chí Thu làm riêng clip thơ có tên là Bão (2015). Bão lẽ ra nên là tên của một tập tất cả thơ Đoàn Ngọc Thu, bởi cái sự đột nhiên dữ dội, bất cẩn tàn phá, rồi dịu dàng thu xếp nhặt nhạnh tâm hồn mình có mặt không riêng ở tập thơ nào. Vào một thời điểm nào đó trong đời, Thu tin rằng mình bình yên. Sau bão là một trạng thái bình yên. Thế nhưng Thu là một người đàn bà thật sự làm thơ, nghĩa là nếu còn viết, tức là bão chẳng bao giờ hết” - trong phần lời bạt của tập thơ , nhà báo Phạm Hà cho biết.
 Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu ký tặng sách cho độc giả
Thơ của Đoàn Ngọc Thu vô cùng giản dị, không màu mè. Chị viết ra như một nhu cầu nảy sinh nội tại. Như lúc gõ lên phím một từ nào đấy, là tự nói với mình một điều gì đấy, không cần rào trước đón sau. Những độc thoại như những lời tự thú: “Tại sao thương những cánh đào run trong rét mướt/ Thương ngọn gió mồ côi lang thang đêm dài mưa ướt/ Thương cả làn yên ba u buồn trên mặt hồ lan tỏa mà không thương em?” (trích Sonata cho một cuộc tình”.
Cùng tập thơ “Sau bão” trong địp kỷ niệm 30 năm chặng đường thơ, nhà thơ nhà báo Đoàn Ngọc Thu đã giới thiệu đến người yêu thơ tuyển tập gồm những bài thơ hay nhất, được tác giả tâm đắc trong suốt quá trình gắn bó với thơ mang tên “Thu không”.
 Họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ những cảm xúc về thơ khi đón nhận các tuyển tập mới của tác giả trong buổi ra mắt sách
Có 56 bài thơ trong tập “Thu không” được tuyển chọn từ những tập thơ đã ra mắt trước đó. Cầm trên tay những bài thơ mới của Đoàn Ngọc Thu, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ngạc nhiên: “Biết Đoàn Ngọc Thu có dễ đã 30 năm. Nhưng tôi vẫn nghĩ Thu vẫn là một thiếu nữ bồi hồi với những câu thơ đầu tiên của ngày ấy. Vậy mà giờ đây trên tay tôi đã xếp chật từng lát cắt ký ức của một thời không bao giờ trở lại… Đó là những lát cắt lấy ra từ các tập thơ Thì thầm sông trăng (1992), Khúc hoang tưởng chiều mưa (1998), Muộn (2001), Quá giang (2005) và Vé một lượt (2013)".
Thơ Đoàn Ngọc Thu không có mấy reo ca. Có nhiều tiếng thở dài của một đa đoan đầy trắc ẩn, thất lỡ. Tình yêu đã mang đến cho số phận một chút ấm nồng nhưng đầy rẫy khổ đau. Một chút vẹn toàn nhưng bao cô đơn buốt giá. Những cung bậc ấy được Thu trải nghiệm, cảm nhận theo cách riêng của con tim mình. Nó ngân nga trầm buồn như tiếng chuông chùa vọng đã ám vào để Đoàn Ngọc Thu trở thành “Thu Không”.
 Tập thơ "Sau bão", tuyển tập "Thu không" và "Những ca khúc phổ thơ Đoàn Ngọc Thu"

Tập thơ “Thu không” còn có những bài hát được các nhạc sĩ phổ thơ của Đoàn Ngọc Thu như ca khúc “Mẹ” của nhạc sĩ Phan Long, “Heo may sớm” của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, “Anh có còn yêu em như ngày xưa” của Xuân Oanh, “Đừng nhớ nhau nữa được không” của Hà Quang Minh; “Vọng vườn châu” và “Có một ngày 17 tháng 2 năm 1979” của Trần Anh Linh…
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu cho biết, tập thơ “Thu không” ra mắt là một dấu mốc đặc biệt để đánh dấu chặng đường thơ ca của chị trong suốt 30 năm qua. Tại buổi ra mắt sách, tác giả giới thiệu một DVD gồm những ca khúc phổ thơ Đoàn Ngọc Thu, do các giọng ca hàng đầu như Tùng Dương, Thúy Lan, Vũ Thắng Lợi, Phương Anh, Nhật Thủy… thể hiện.

Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu tốt nghiệp khoa Ngữ văn (năm 1992), khoa Báo chí (năm 1994) trường Đai học Tổng hợp (nay Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam từ năm từ năm 1995 tới nay.

- Phó tổng Biên tập báo điện tử Vietnamlus

- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Các tập thơ đã in

- Thầm thì bên sông trăng (1992)

- Khúc hoang tưởng chiều mưa (1998)

- Muộn (2001)

- Quá giang (2005)

- Vé một lượt (2013)

- Sau bão (2020)

- Thu không (2020)

Video thơ

- Bão (2015) - đạo diễn Lê Thiết Cương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần