Sau một năm thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP: Vi phạm về môi trường vẫn nhức nhối

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 155/2016/NĐ-CP (NĐ 155) của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ tháng 2/2017 với nhiều mức xử phạt rất nghiêm khắc trong lĩnh vực môi trường.

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội vẫn thờ ơ, không chấp hành, còn lực lượng chức năng thì dường như đang buông lỏng trước những vi phạm.

Xử phạt cao vẫn vô tư xả rác

Hàng ngày, đi qua con đường sát hồ Đền Lừ thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), người tham gia giao thông không khỏi bức xúc khi chứng kiến bãi rác lộ thiên rộng hàng chục mét vuông ngập ngụa rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng tràn cả ra lòng đường gây ô nhiễm và cản trở giao thông. Theo những người dân sống xung quanh, bãi rác tự phát này cứ sau một thời gian được dọn sạch lại tái diễn. Nguyên nhân là do những người chuyên đổ trộm rác không bị bất kỳ sự kiểm tra, xử phạt nào của cơ quan chức năng.
 Những bao tải rác chình ình ngay tại đường đi nội bộ khu đô thị Đền Lừ.
Nhiều tuyến đường khác của Hà Nội, nhất là những tuyến vành đai, đường mới mở như Kim Giang, Định Công, Nguyễn Xiển, Đại lộ Thăng Long, các con đường dọc các bờ sông Lừ, sông Sét... đang ngày đêm phải "gánh" những đống rác thải ngổn ngang. Kể cả trong những ngõ xóm khu tập thể, khu dân cư đông đúc vào mỗi cuối giờ chiều, những đống rác vẫn vô tư xuất hiện gây ô nhiễm và mất mỹ quan nghiêm trọng.

So với các nghị định trước của Chính phủ, NĐ 155 đã tăng mức phạt lên nhiều lần đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị có mức phạt thấp nhất là từ 1 - 3 triệu đồng, mức cao từ 5 - 7 triệu đồng. Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn người dân cho rằng hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Chính vì thế, rất nhiều người thiếu ý thức vẫn không hề “chùn tay” khi xả rác sinh hoạt ra đường, nơi công cộng, đổ trộm phế thải tại các ô đất trống của dự án…

Còn nhiều vướng mắc

Rất nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội khi được hỏi cho rằng đã biết đến mức xử phạt của NĐ 155, tuy nhiên hiệu quả răn đe chưa cao. Ông Lê Trung Dũng - Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đánh giá, hiện nay, các cơ quan chức năng có đầy đủ chế tài để xử phạt các hành vi liên quan đến môi trường. Tuy vậy, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Khi ra quân và có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền thì tình hình VSMT tốt lên nhưng sau đó không duy trì được. Trên thực tế cũng ghi nhận rất ít trường hợp xử phạt liên quan đến VSMT do vậy làm cho người dân “nhờn” với các quy định và ngang nhiên vứt rác, đi vệ sinh bừa bãi ra đường phố, nơi công cộng.

Giải thích về vấn đề này, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai NĐ 155 khá sớm, từ tuyên truyền, phổ biến đến xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát và xử phạt. Tuy nhiên, còn hàng loạt các vướng mắc cần giải quyết, như vấn đề giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của người dân để xử phạt. Bởi, với đơn vị xã, phường, thị trấn, không thể có đủ lực lượng trực 24/24h tại các đường phố, ngõ xóm, nơi công cộng; trang thiết bị kỹ thuật (máy quay, máy ảnh…) còn thiếu...

Bên cạnh đó, một điều tại NĐ 155 chưa quy định cụ thể rõ ràng, gây khó khăn trong việc xử phạt vi phạm. Cụ thể, đối với chất thải rắn từ hoạt động xây dựng, chưa quy định cụ thể là chất thải sinh hoạt hay chất thải công nghiệp thông thường. Hay chỉ quy định đối với hành vi thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường mà không quy định đối với hành vi xả nước thải trên vỉa hè, đường phố… “Đối với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 155, Sở TN&MT Hà Nội đã có tổng hợp và trong hội nghị tập huấn 2018 sẽ mời Bộ TN&MT tham gia hướng dẫn và giải đáp. Đồng thời, Sở TN&MT Hà Nội cũng đã tham gia góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan đến bảo vệ môi trường” - ông Mai Trọng Thái cho biết.

Theo báo cáo của Chi cục BVMT Hà Nội: Năm 2017, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 16,5 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần