Sau một năm thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy: Tăng sức hút cho du lịch Hà Nội

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 06) do Thành ủy Hà Nội ban hành, du lịch Thủ đô đã chuyển biến rõ nét trên nhiều phương diện.

Đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng
Nghị quyết 06 định hướng xây dựng Hà Nội là điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn. Theo đó, sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển toàn diện du lịch cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, tính bền vững; đến năm 2020 đưa du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh... Phấn đấu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du khách đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8 - 10%/năm; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 60 - 65%.
 Du khách quốc tế tham quan phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Năm 2016, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,83 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội đạt 12 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,44 triệu lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 1,74 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ước đạt 9,56 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35.862 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 30% tổng lượng khách đi lại giữa các địa phương trong toàn quốc. Khách quốc tế chiếm khoảng 40% so với lượng khách đến Việt Nam. Khách đến Hà Nội có lưu trú ngày càng tăng, với khoảng 2,9 triệu người năm 2016, tăng 23% so với năm 2015; khoảng 2 triệu lượt trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh của du lịch đã tăng lên, đồng thời khẳng định, du lịch Hà Nội tăng trưởng khả quan, đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết 06 đề ra.

Nhiều sản phẩm mới hấp dẫn

Kết quả đáng tự hào đó có được là bởi trong năm đầu thực hiện Nghị quyết 06, chính quyền TP đã ưu tiên đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế xanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành không ngừng được bổ sung, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, đa dạng hóa các hình thức đầu tư… Song song với khai thác thế mạnh vốn có về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch làng nghề được TP tạo “đòn bẩy” qua Thi tuyển phương án kiến trúc Làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc. Đặc biệt, Hà Nội đã động thổ dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế đầu tiên của Thủ đô bằng nguồn vốn xã hội hóa và Trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế lớn nhất châu Á.

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã tạo thêm nhiều điểm đến mới hấp dẫn như: Khai trương phố đi bộ quanh Hồ Gươm; Chương trình “Ký ức Hà Nội”; “Festival Áo dài Hà Nội”; tour “Cảm xúc Hà Nội”; tour đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội miễn phí; công nhận điểm bán hàng lưu niệm đạt chuẩn tại Đình Đồng Lạc; khai trương Phố sách Hà Nội… Các chương trình, sự kiện thường niên như Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội - Việt Nam… không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức, được người dân cũng như du khách đánh giá cao. Đặc biệt, Thủ đô đã tiên phong tạo đột phá trong quảng bá, xúc tiến du lịch khi UBND TP Hà Nội ký hợp tác quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước trên kênh CNN.

Ông Lê Công Năng – Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour đánh giá, một năm thực hiện Nghị quyết 06, Hà Nội đang đưa du lịch đi đúng hướng, bền vững, hiệu quả cao. Mặc dù công tác xúc tiến, quảng bá, mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển du lịch đều đang ở giai đoạn đầu, nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ nét, hứa hẹn là “bệ phóng” cho các DN lữ hành phát huy, khai thác các sản phẩm du lịch của Thủ đô.

Đẩy mạnh hợp tác 4 bên

Tuy vậy, du lịch Thủ đô vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải thẳng thắn: “Hiện cơ cấu chi tiêu của khách du lịch không cân đối, chủ yếu tập trung ở dịch vụ lưu trú. Điều đó cho thấy Hà Nội còn thiếu những sản phẩm, khu du lịch đặc sắc có sức cạnh tranh hay mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế; thiếu những loại hình, dịch vụ du lịch mới theo chuỗi sự kiện đồng bộ để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú, mức chi của các “thượng đế””.

Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa đều. Đặc biệt, các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4 - 5 sao) chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch, dẫn đến tình trạng cung thấp hơn cầu ở thời kỳ cao điểm khiến sức cạnh tranh giảm. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị chưa thuận tiện cho khách du lịch tiếp cận các điểm tham quan. Các nguồn lực cho phát triển du lịch chưa được đầu tư lớn. Và cần có thêm cơ chế, chính sách để thu hút mạnh nguồn vốn xã hội hóa và các nhà đầu tư có tiềm lực.

Ông Trần Đức Hải cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đề ra trong Nghị quyết 06, quan trọng nhất là phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh. Chính vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết 4 bên: Sở Du lịch, chính quyền địa phương, báo chí và DN nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, tiếp tục xây dựng các tour mới, chất lượng và vì lợi ích cộng đồng... Song song với đó, TP tiếp tục quảng bá trên kênh CNN; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế cũng như các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.

Hà Nội cũng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án khách sạn cao cấp, hình thành những tổ hợp khách sạn 4 - 5 sao. Đồng thời, chỉ đạo lập danh mục dự án thu hút đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án phát triển du lịch đặc sắc để thu hút du khách; hoàn thành xây dựng các khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; đôn đốc các quận, huyện, thị xã rà soát và lập kế hoạch đầu tư từ 01 - 02 di tích tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch địa phương…

Những bước phát triển vượt bậc, đồng bộ của du lịch Thủ đô một năm qua chính là “bệ phóng” để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn:

Hà Nội đã tạo được đột phá trong quảng bá, xúc tiến du lịch

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 06, ngành du lịch Hà Nội đã tạo được bước đột phá trong công tác quảng bá, xúc tiến. Ở trong nước, Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với hơn 30 tỉnh, TP; làm việc với 21 quận, huyện, thị xã, các ngành, các tổ chức quốc tế và các DN có liên quan. Ở nước ngoài, Hà Nội tham gia tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến quan trọng như: Hội chợ du lịch Jata tại Tokyo – Nhật Bản; Hội chợ TopResa tại Pháp; hội chợ WTM Du lịch Thế giới… Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ký chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội và cả nước trên kênh CNN (Mỹ) với kinh phí 2 triệu USD. Cuối năm 2017, Hà Nội sẽ quảng bá du lịch đối ứng với TP Tokyo... Tất cả đều cho thấy những hướng đi đúng đắn, đúng trọng tâm, trọng điểm trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Hà Nội.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình:

Du lịch không còn là “ngôi sao cô đơn”

Từ khi ban hành Nghị quyết 06 đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã đạt thành tích rất ngoạn mục, với mức tăng trưởng lượng khách và doanh thu ấn tượng nhất từ trước tới nay. Sự phát triển đột phá ấy là nhờ định hướng đúng đắn của TP Hà Nội, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên phát triển. Đồng thời, liên kết công - tư giữa các bên liên quan trong và ngoài ngành du lịch đã được chú trọng và phát huy. Du lịch Hà Nội đã không còn là “ngôi sao cô đơn” như trước đây. Nhờ sự quan tâm của tất cả các bên liên quan, bộ mặt du lịch Hà Nội đã hoàn toàn đổi khác. Điều này được thể hiện rõ nhất ở sự quan tâm đầu tư cho những sản phẩm du lịch mới. Trong đó phải kể đến việc xây dựng công viên đẳng cấp quốc tế bằng nguồn xã hội hóa; thí điểm mở rộng không gian đi bộ quanh Hồ Gươm… Đặc biệt, những sự kiện do Sở Du lịch chủ trì hoặc phối hợp tổ chức đã gắn liền với du khách và ngành du lịch chứ không đơn thuần là các lễ hội, sự kiện văn hóa thuần túy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần