Sau một tháng thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP: Nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ 1/2, Nghị định 155 quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, nhiều người đã kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, bên cạnh những quận, huyện đã xắn tay ngay vào việc, thì không ít nơi vẫn đang... xây dựng kế hoạch.

Rác thải vẫn tràn đường

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau một tháng Nghị định 155 có hiệu lực, trên địa bàn Thủ đô đã và đang xuất hiện nhiều tuyến đường sạch. Đơn cử, các phố Phủ Doãn, Hàng Trống, Nhà Chung (Hoàn Kiếm), Trần Thái Tông, Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Trung Kính (Cầu Giấy)… tình trạng xả rác bừa bãi ra vỉa hè, lòng đường, cống rãnh đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh việc bắt tay vào xử phạt hành vi xả rác sai quy định, lực lượng chức năng các quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy cũng đã xử lý được các trường hợp tiểu tiện nơi công cộng. Bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, khi Nghị định 155 bắt đầu có hiệu lực từ 1/2, các phường trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền trong hai tuần sau đó mới tiến hành xử phạt. Đến nay, trên toàn quận đã xử lý 9 trường hợp vứt rác sai quy định, 2 trường hợp tiểu bậy với số tiền phạt là 54 triệu đồng. Ngoài quận Câu Giấy, Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Hoàng Mai cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng/người đối với 3 tài xế taxi tiểu bậy. Đặc biệt, trong hai ngày 27 - 28/2, quận Hoàn Kiếm đã phạt 29 trường hợp xả rác, vi phạm vệ sinh môi trường với số tiền 10,1 triệu đồng.

Lòng đường, vỉa  hè  phố Trung Kính (Cầu Giấy) sạch hơn khi đã có trường hợp bị phạt do vứt rác không đúng quy định.

Tuy nhiên, kết quả xử lý này còn rất khiêm tốn so với thực tế vi phạm. Tại một số tuyến đường như Đại La, Minh Khai, Thanh Nhàn, Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) Quang Trung (Hà Đông), Xã Đàn, Thái Thịnh, Chùa Láng (Đống Đa)… tình trạng túi nilon rác còn để tràn lan tại chân cột điện, gốc cây vào tầm cuối giờ chiều. Tại hàng ăn uống vỉa hè vẫn trắng giấy ăn khi thực khách đứng lên. Giữa khu dân cư những đống rác ngồn ngộn vẫn xuất hiện. Thậm chí, tại khu vực xung quanh bốt Hàng Đậu mùi xú uế bốc lên nồng nặc do những người thiếu ý thức thường xuyên tìm đến tiểu bậy.

Bà Trần Minh Phượng, sống tại nhà A1, tập thể 128C Đại La bức xúc, hằng ngày, tại khu đất trống đầu nhà tập thể 128C Đại La, người dân vẫn mang rác ra chất đống bất kể giờ giấc nhưng không thấy ai bị phạt. “Mức xử phạt theo quy định mới chỉ thấy được dán giấy tuyên truyền ở bảng tin còn việc thực hiện thì chưa thấy ai đả động gì” – bà Phượng nói.

Sống cùng với sự nhếch nhác mất vệ sinh lâu ngày, nhiều người dân thấy được sự cải thiện của môi trường xung quanh khi các cơ quan chức năng vào cuộc đã rất vui và đồng tình. Bên cạnh đó, tại nhiều khu vực, người dân lại sốt ruột về sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc triển khai xử phạt theo quy định của Nghị định 155. Lý giải về việc trên địa bàn quận vẫn còn những tuyến đường, ngõ phố nhếch nhác bởi rác thải, bà Nguyễn Thu Ánh – Phó trưởng Phòng quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đang tuyên truyền và từng bước triển khai. “Chúng tôi đang phối hợp với Urenco xây dựng kế hoạch chi tiết để có tiêu chí cụ thể xử lý theo Nghị định 115. Ví dụ phải nghiên cứu để đặt thùng rác hợp lý, nếu đã có chỗ đổ rác mà dân vẫn vứt bừa bãi thì lúc đó mới có cơ sở để xử phạt” – bà Ánh chia sẻ.

Phải làm nghiêm từ gốc

Phân tích nguyên nhân các quy định của Nghị định 155 chậm đi vào cuộc sống, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng chưa ý thức được tầm quan trọng, tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường, từ đó chưa tập trung mọi nguồn lực để thực hiện quyết liệt. Kỹ sư Bùi Công Khê (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội), người có nhiều tâm huyết trong việc xử lý môi trường các làng nghề tại Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều quận, huyện, xã, phường chưa lập được đội xử phạt chuyên biệt và dành nhiều thời gian cho công việc này. Tại các làng nghề ở ngoại thành, nhiều bãi rác tự phát mọc lên gây ô nhiễm nặng nề, nhưng chính quyền sở tại mới chỉ cho cắm biển cấm, còn chưa vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm như ở huyện Thanh Oai, Ba Vì, Hoài Đức...
 Rác trắng vỉa hè tại quán ăn trên phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Vũ Cúc

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hoàng Chí Thức (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, lực lượng thực hiện nhiệm vụ này hiện chưa được phân công rõ ràng cụ thể, và cũng chưa được hỗ trợ tối đa bởi các phương tiện hỗ trợ. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt khó có thể thu thập bằng chứng rõ ràng để chứng minh người bị xử phạt có hành vi vi phạm (nghĩa vụ của cơ quan xử phạt là chứng minh hành vi vi phạm như: Biên bản vi phạm hành chính; hình ảnh vi phạm...) nếu không được hỗ trợ bằng máy móc. Để các quy định của Nghị định này đi vào cuộc sống, chúng ta cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phù hợp tại các khu dân cư, chuẩn bị nhân lực để thực hiện, nhưng đặc biệt phải phát huy cơ chế tự quản, giám sát tại cộng đồng dân cư và có chính sách khen thưởng cho các tổ tự quản nếu tuyên truyền tốt và không để xảy ra các vi phạm. Đối với người vi phạm, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nếu đã bị nhắc nhở mà vẫn vi phạm có thể nâng mức xử lý, như gửi thông báo về hành vi vi phạm đến nơi làm việc và sinh sống. Nếu tiếp tục vi phạm mới xử lý theo nội dung của Nghị định này (xử phạt bằng tiền).

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, pháp luật cần đi trước, phải quy định được hành vi nào cho phép, hành vi nào không cho phép, hành vi nào bị cấm, bị xử phạt. Còn khả năng thực thi đến đâu phải dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội. Về giải pháp để tăng tính khả thi của các quy định trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan quản lý đang nghiên cứu để có những quy định cụ thể hơn nữa nhằm làm rõ nội dung ai phạt, phạt ai với các hành vi nêu trên.

Thực tế cho thấy, để các quy định của Nghị định 155 đi vào cuộc sống, ngoài chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phù hợp, chuẩn bị nhân lực để thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân... thì vấn đề cốt lõi mà các đơn vị liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện Nghị định phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Có ý thức được điều này, các quy định của Nghị định mới được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

Sau một tháng Nghị định 155 có hiệu lực, tình trạng rác thải bừa bãi đã có chuyển biến ở một số nơi như quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy... Tuy nhiên, tại một số quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, chính quyền chưa có động thái tích cực trong việc xử phạt nên vẫn tồn tại nhiều “điểm đen” về vệ sinh môi trường.

Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) Lê Trung Dũng


Nghị định 155 của Chính phủ được ban hành là rất cần thiết nhằm để răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và làm thay đổi nếp sống của một bộ phận người thiếu ý thức tại đô thị. Tuy nhiên, nếu không có những quy định thật cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi Nghị định và đội ngũ thực hiện không làm hết trách nhiệm thì e rằng Nghị định của Chính phủ rồi cũng dễ chỉ để trong ngăn kéo.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Phạm Ngọc Đăng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần