Sầu riêng trên đất Quảng

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ ngỡ sầu riêng là sản vật của những vùng như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… nhưng tại Quảng Ngãi, sầu riêng không những sống khỏe mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng.

Người trồng đầu tiên
Vỗ nhẹ vào gốc sầu riêng hơn 40 năm tuổi, ông Trương Văn Một mở lời: “Giống cây này, nếu làm tốt thì không phải chỉ là làm kinh tế khá thôi đâu, phải nói là làm giàu”.
Ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), chắc có lẽ không còn mấy ai xa lạ với ông Trương Văn Một (82 tuổi, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông). Ông Một là người tiên phong mang sầu riêng về trồng tại Quảng Ngãi.
 

Ông Trương Văn Một là người tiên phong đưa sầu riêng về trồng tại Quảng Ngãi

“Sau hòa bình (1975), tui (tôi) vô Bình Phước thăm người chị, thấy cây sầu riêng lạ nên mang vài cây về trồng. Tuy nhiên vì chưa biết cách chăm sóc nên chỉ có 3 cây sống sót, đứng vững, đó là 3 cây 44 tuổi. Hồi trồng cây này, người ta bảo tôi là không biết ông còn sống đến lúc cây lớn để ăn trái không. Không biết có phải vì khí hậu vườn xanh mát mà tôi lại sống thọ, chẳng ốm đau gì”, ông Một kể.
Sầu riêng bắt đầu cho quả từ năm thứ 5 và càng về sau, cây càng cho quả ổn định hơn. Hiện trong vườn ông có khoảng 100 cây sầu riêng, đa phần là loại hạt lép. Trong đó có khoảng 20 cây cho quả với sản lượng trung bình 3 tấn/vụ, những cây còn lại, ít tuổi thì từ 150- 300kg/vụ. 
Theo ông Một, mấy chục năm trồng sầu riêng nhận thấy thời điểm vất vả nhất khi chăm sầu riêng chính là sau khi đậu quả. Lúc quả bằng cỡ bắp tay phải thức đêm canh sâu bướm. Phát hiện cây nào sâu bướm đẻ trứng thì sáng sớm hôm sau phải lo xử lý. Nếu không trứng sẽ nở thành sâu, quả bị hư hỏng và rụng. Phải mất khoảng 1 tháng cho tới lúc quả to hơn bắp chân một chút, vỏ cứng cáp thì không còn đáng ngại nữa. “Thực ra cây sầu riêng có thể sống tốt ở xứ mình, công chăm sóc cũng không vất vả nhưng trồng lúa. Trong khi đó, một cây sầu riêng cho thu nhập hơn cả 2 sào lúa”, ông Một chia sẻ.
Hiện tại, với giá bán sầu riêng 70.000 đồng/kg, mỗi trái từ 2-4kg, mỗi năm ông Một thu về khoảng 300 triệu đồng. Thị trường có nhu cầu cao nên đa phần người mua tự tìm đến vườn, chọn mua ngay tại cây.
Cây trồng được bảo hộ nhãn hiệu
Sau ông Một, nhiều hộ nông dân khác ở Nghĩa Hành cũng  bắt đầu trồng sầu riêng. Hiện tại có nhiều xã khác trong huyện như Hành Minh, Hành Dũng…, cây sầu riêng đã bén duyên và cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có gần 47 hecta sầu riêng cơm vàng hạt lép trồng theo hướng chuyên canh tập trung từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hàng trăm cây trồng phân tán do người dân tự tuyển chọn, đầu tư thâm canh trên đất thổ canh, thổ cư từ nhiều năm trước.
Việc chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học và để sầu riêng chín rụng tự nhiên giúp cho loại trái cây này giữ nguyên hương vị đặc trưng vốn có, khách hàng tin dùng, giá trị thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với các loại cây ăn trái khác trồng trên cùng diện tích.
Chị Nguyễn Thị Phương ( thành phố Quảng Ngãi) cho hay: “Tôi cũng đã ăn thử sầu riêng trồng ở nhiều nơi, nhưng thấy sầu riêng ở Nghĩa Hành rất đặc biệt. Múi to, cơm dày, màu vàng, vị ngon thơm rất riêng . Đặc biệt là ở đây không sử dụng chất bảo quản đối với loại trái cây này”.
Ông Lê Quang Nhu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành, cho biết: “Sầu riêng là một trong số 04 loại trái cây hàng hóa của huyện Nghĩa Hành, gồm: sầu riêng, chuối Ngự, bưởi da xanh, chôm chôm. Cùng với việc khuyến khích người dân đầu tư trồng tập trung theo hướng chuyên canh, sản xuất nông sản sạch, huyện cũng quyết định sử dụng địa danh “Nghĩa Hành” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho 04 loại trái cây này nhằm tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và phát triển bền vững cho các loại cây ăn trái trồng trên đất Nghĩa Hành.