Sâu sát, quyết liệt trong hành động

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên tinh thần điều hành rõ từng việc, từng người, từng trách nhiệm, những kết quả đạt được của năm 2018 đã đánh dấu bước phát triển toàn diện của Hà Nội. Đồng thời, thể hiện hướng đi đúng cho một nhiệm kỳ ghi dấu ấn mới với thông điệp “Lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ”, bởi đây chính là động lực để phát triển bền vững.

Cải cách từ “tuyến đầu”
Năm 2018, trong bối cảnh đi đầu trong tinh giản bộ máy, nhưng Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn. UBND TP Hà Nội vẫn tiếp nhận, phân loại và chỉ đạo xử lý 10.036 văn bản của T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành của T.Ư, đồng thời đã ban hành 20.599 văn bản quản lý hành chính Nhà nước. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP đã chủ trì 878 cuộc làm việc chỉ đạo các công việc thường xuyên, đột xuất theo nhiệm vụ được phân công; tổ chức 11 cuộc đối thoại với công nhân lao động, Nhân dân để giải quyết các vấn đề về kiến nghị, đề xuất và khiếu nại, tố cáo. Đó là những con số chứng minh công tác chỉ đạo, điều hành từ TP đến cơ sở được triển khai với tinh thần quyết liệt, thường xuyên, bài bản khi mọi công việc đều được đẩy nhanh, cải tiến ngay từ “tuyến đầu” là khối văn phòng - nơi vẫn mang tiếng lâu nay vì sự chậm trễ…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra công trình xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống sáng 1/3/2018. Ảnh: Anh Quý
Trong các cuộc họp tập thể UBND TP hàng tháng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung luôn thể hiện sự sâu sát, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, yêu cầu có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong công việc. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP luôn kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt, đồng thời “điểm mặt, chỉ tên” từng đơn vị làm chưa tốt. Chủ tịch UBND TP cũng đã chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực hành chính liên quan trực tiếp đến Nhân dân. 
Từ chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP, từ các sở, ngành, quận, huyện đến các phường, xã đã thực sự có chuyển biến rõ nét. Các mô hình cải cách hành chính hiệu quả đã ra đời và lan tỏa như: Mô hình xin lỗi ở UBND các phường khi làm thủ tục hành chính không đúng hạn; “Công dân điện tử” ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân; dịch vụ công mức độ 4 ở quận Long Biên…

Không đơn giản để từ chủ trương đi đến hành động hiệu quả, bí quyết thành công của Hà Nội là sự theo sát từng vấn đề “nóng”. Ở lĩnh vực nào, từ những vụ cháy hay đến vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ dân sinh hay các vấn đề báo chí phản ánh, lãnh đạo TP đều theo sát, chỉ đạo xử lý kịp thời. Trên có nghiêm, ở dưới khó làm sai.

Cụ thể hóa bằng hành động

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo TP Hà Nội đã xác định: Giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc; đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng tháng, từng lĩnh vực. Trong đó xác định mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và DN là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền TP đến cơ sở. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội, nâng cao trình độ và thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong nền hành chính công.

Tinh thần quyết tâm ấy đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của lãnh đạo UBND TP, đã chủ động, năng động, không ngại việc, không né tránh, không ngại va chạm. Nhờ vậy, trong triển khai thực hiện, Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo như cung cấp gần 700 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dẫn đầu trong cả nước về lĩnh vực này.

Nhưng có lẽ, người dân sẽ thấy rõ nhất sự chủ động, sáng tạo cùng với tinh thần quyết liệt chỉ đạo ấy còn thể hiện ở việc người đứng đầu chính quyền TP giải quyết các vấn đề dân sinh, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân. Đó là việc Chủ tịch UBND TP trực tiếp chỉ đạo từ công tác thiết kế đến chăm sóc, để chương trình trồng 1 triệu cây xanh được hoàn thành vượt tiến độ 2 năm. Đó là việc đưa nước sạch theo tiêu chuẩn “uống tại vòi” tới từng hộ dân, để đến năm 2020, 100% người dân nông thôn và đô thị đều có nước sạch. Đó là việc tổ chức tầm soát ung thư sớm đại trực tràng miễn phí cho gần 400.000 người từ 40 tuổi trở lên, thiết lập được 6.325.000 hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, đạt 82,2%. Đó là việc hoàn thành hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 4.162 nhà ở cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ.

Có thể thấy rằng, cả hệ thống chính trị cũng như người đứng đầu chính quyền TP đã chọn và giải quyết một khối lượng công việc lớn theo tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Với tốc độ phát triển, với nhiều thách thức như tốc độ gia tăng dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng và công tác quy hoạch vẫn còn hạn chế… Hà Nội vẫn còn rất nhiều vấn đề “nóng” cần lãnh đạo TP tiếp tục hoạch định cả chính sách ngắn hạn và dài hạn hợp lý để tận dụng hết tiềm năng của Thủ đô. Trong đó, hướng đi đúng của TP Hà Nội là nguồn lực phải bắt đầu từ mỗi cán bộ công chức, viên chức. Nếu mỗi người làm đúng chức trách với Nhân dân, được khen thưởng kịp thời, kỷ luật công minh, đảm bảo quyền lợi thì đó chính là những “sứ giả” về thông điệp của Hà Nội - “Lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”. Chính bởi những nhân tố đó, Hà Nội sẽ giữ vững danh hiệu TP vì hòa bình và là điểm thu hút của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và bạn bè quốc tế.

Dấu ấn đáng kể nhất trong chính quyền phục vụ là Hà Nội đã tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút vốn đăng ký FDI ước đạt 7,5 tỷ USD, gấp 2,3 lần so với năm 2017 và cao nhất trong 3 thập kỷ qua. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần