Sau Trung Quốc, Nhật Bản thành mục tiêu "tấn công thương mại" mới của Mỹ

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản sắp bước vào cuộc chiến mà họ cố gắng né tránh trong 2 năm qua: Các cuộc đàm phán thương mại song phương với ông Donald Trump.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có vẻ có lợi thế trong các đàm phán thương mại này, dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tuần tới tại Washington khi các cuộc đàm phán Mỹ-Trung Quốc đang gần kết thúc.

"Mũi dùi" vào mục tiêu mới sau Trung Quốc

Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực trong tuyệt vọng để tránh các đòn thuế lên ngành công nghiệp ô tô “trụ cột”,  trong khi ông Trump muốn thâm nhập thị trường nông nghiệp của Nhật Bản và giảm thâm hụt thương mại 60 tỷ USD giữa hai bên.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

Ông Abe đã dành nhiều thời gian “nuôi dưỡng” quan hệ cá nhân với ông Trump để duy trì mối quan hệ chiến lược nhằm bảo vệ Tokyo trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Nhật Bản sẽ bỏ qua vấn đề thương mại: Chính phủ của Abe quyết tâm “tránh” trao cho Mỹ một thỏa thuận song phương tốt hơn so với các hiệp định đa phương mà ông đã đàm phán với các quốc gia Châu Âu và khu vực Thái Bình Dương.

Các cuộc đàm phán gia tăng mối lo của các nhà đầu tư rằng ông Trump chuyển mục tiêu từ Trung Quốc sang “chĩa mũi dùi” vào một nền kinh tế khác. Tổng thống Trump dự kiến sẽ đối diện với sự đánh giá về việc tái cân bằng quan hệ thương mại của Mỹ, vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.  

Ông Abe chỉ đồng ý đàm phán song phương sau khi Tổng thống Trump "tấn công" vào xuất khẩu thép và nhôm của Nhật Bản bằng trừng phạt thuế quan vào năm 2018, sau đó đe dọa sẽ áp thuế lên tới 25% đối với tất cả hàng hóa ô tô nhập khẩu, bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản.

Tokyo không nao núng

Tuy nhiên, Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, đã có thể quan sát các trận chiến trước đó của chính quyền Trump với Hàn Quốc, Canada, Mexico và Trung Quốc trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuần tới. Trong mỗi cuộc chiến, Mỹ thường đưa ra những quan điểm cực đoan đe dọa trừng phạt quan hệ kinh tế, tuy nhiên cho đến nay mới đổi lại được những thay đổi khiêm tốn từ đối tác đàm phán.

Ông Abe cũng đã củng cố vị thế của Nhật Bản bằng cách hoàn tất các hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu và 10 đối tác khác bị Trump bỏ rơi khi ông từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi nhậm chức. Những thỏa thuận này đã khiến nông dân Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn, có nguy cơ mất 22% thị phần nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản cho các đối thủ có mức thuế thấp hơn.

Đối với Nhật Bản, chính phủ không có lý do gì để vội vã và nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán, theo Junji Nakagawa, giáo sư nghiên cứu các vấn đề thương mại tại Đại học Chuogakuin, Tokyo. “Mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán nhanh chóng kỳ thực đến từ phía Mỹ, đặc biệt là các nhà lobby trong lĩnh vực nông nghiệp”.