SCB và dấu ấn thu nhập từ dịch vụ

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hoạt động tín dụng gặp khó do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng đã tập trung cho các chiến lược kinh doanh mới, trong đó có việc tăng thu nhập từ dịch vụ.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một ví dụ cho sự chuyển dịch thành công này khi 6 tháng đầu năm 2020, ngân hàng này ghi dấu ấn khá lớn với khoản thu nhập tốt từ dịch vụ.
Chú trọng dịch vụ, tăng “đệm” dự phòng tài chính
Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản của SCB đạt 598.412 tỷ đồng, duy trì vị thế hàng đầu trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh về tổng quy mô hoạt động. Huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 528.720 tỷ đồng, tăng 40.013 tỷ đồng, tỷ lệ tăng ổn định 8,2% so với đầu năm. Trong khi đó, quy mô tín dụng đạt 344.033 tỷ đồng, tăng 3,04% so với 31/12/2019.
Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả tích cực từ các hoạt động phi tín dụng với lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối đạt hơn 300 tỷ đồng và thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 618 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ của SCB tăng trưởng ổn định trong các năm gần đây phản ánh chiến lược tái cấu trúc với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng truyền thống.
Hướng dẫn khách hàng giao dịch tại SCB.
Ngân hàng cũng chú trọng tăng trưởng đóng góp từ phí dịch vụ thông qua vận hành của hệ thống ngân hàng giao dịch hiện đại và nâng cao trải nghiệm khách hàng qua các sản phẩm thẻ, bảo hiểm, thanh toán trực tuyến, thanh toán tự động… Các mục tiêu được đặt ra gồm tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019; tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số; đẩy mạnh phát hành mới thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ…
Đáng chú ý, trong các dịch vụ tài chính cá nhân cung cấp cho khách hàng, SCB tạo dấu ấn lớn trên thị trường với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động liên kết bảo hiểm - ngân hàng (bancassurance).
Thời gian gần đây, SCB luôn nằm trong Top các ngân hàng có doanh số kinh doanh bảo hiểm cao nhất toàn thị trường. Năm 2019, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của SCB đạt mức vượt bậc với doanh số phí tăng trưởng 72% so với năm 2018.
Ngoài ra, số lượng thẻ quốc tế mà SCB phát hành trong năm 2019 tăng trưởng 60% so với năm 2018. Sản phẩm nổi bật là thẻ tín dụng quốc tế S-Care dành cho nhóm khách hàng quan tâm tới sức khỏe, cùng 2 sản phẩm mới là thẻ thanh toán quốc tế beyou và thẻ tín dụng quốc tế Premier Mastercard World đều được khách hàng đón nhận.
Trong bối cảnh dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các khách hàng từ nay đến cuối năm vẫn gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đã ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. 6 tháng đầu năm, dù lợi nhuận khiêm tốn ở mức gần 29 tỷ đồng nhưng SCB đã trích lập 2.174 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên gần 14.000 tỷ đồng. Đây là đệm dự phòng tài chính, giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định trong thời gian tới.
Đầu tư để thực hiện chuyển đổi, đón đầu cơ hội mới
Cũng trong quý II/2020, Đại hội đồng cổ đông SCB thông qua việc tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên mức 20.231 tỷ đồng. Việc tăng vốn được đánh giá sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của SCB, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu theo chiến lược kinh doanh.
Thông tin từ phía ngân hàng cho biết, SCB đang xúc tiến việc phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trước mắt, việc tăng vốn lần này để bổ sung năng lực vốn và năng lực tài chính trong bối cảnh toàn hệ thống tổ chức tín dụng đang khẩn trương đáp ứng yêu cầu vốn theo Basel II. Song song đó, về lâu dài, SCB vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để cùng tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng và thực hiện các mục tiêu dài hạn.
Về kế hoạch niêm yết, lãnh đạo SCB cho hay, ngân hàng dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán vào sau năm 2022. Đây là thời điểm SCB sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc "chốt" room ngoại khi năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh của SCB vững mạnh. "Mục tiêu của ngân hàng đã phải thay đổi theo xu hướng toàn cầu, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong năm 2020 này, tôi nghĩ, ngân hàng không còn đặt mục tiêu lợi nhuận là thước đo cho sự thành công. Mà điều quan trọng cần làm trước mắt là cần bảo đảm được sự ổn định, sau đó mới tính đến việc tái khởi động sản xuất kinh doanh cho DN. Ngân hàng cần có sự đầu tư để thực hiện sự chuyển đổi, đón đầu cơ hội mới. Chúng ta sẽ đạt được kết quả đó trong 2 - 3 năm sau, nếu chúng ta chuyển đổi thành công. Tôi tin, dịch Covid-19 không làm quá trình tái cơ cấu SCB chậm đi. Trái lại, càng tạo bối cảnh tốt hơn trong thay đổi cơ cấu về định hướng, mục tiêu cho cả thị trường nói chung, và SCB nói riêng mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ" - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB Đinh Văn Thành nhấn mạnh.

Dự kiến, trong năm 2020, tổng tài sản của SCB tăng lên 637.166 tỷ đồng; Huy động vốn tăng trưởng 65.000 tỷ đồng; cho vay tăng trưởng khoảng 13% so với 2019. Năm nay, SCB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng có chất lượng dịch vụ và quản trị trải nghiệm hàng đầu, định hướng kinh doanh gắn liền với giá trị “ngân hàng vì cộng đồng”, tương xứng với vị thế top 5 về quy mô tổng tài sản.


Trong các nhiệm vụ trọng tâm của SCB, “sợi dây” xuyên suốt năm 2020 sẽ là khách hàng. Chúng tôi hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ đa năng có tốc độ tăng trưởng doanh thu mỗi năm tối thiểu 30% và lấy hệ thống trải nghiệm khách hàng làm nền tảng. Để đạt được mục tiêu này, SCB đã có kế hoạch chuyên môn hóa mô hình kinh doanh. Thứ nhất là tổ chức mô hình kinh doanh với bộ máy độc lập cho hai mảng hoạt động bán lẻ và DN; hai là tập trung phát triển dịch vụ khách hàng cao cấp và Ba là triển khai kênh kinh doanh trực tiếp.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB Đinh Văn Thành