Sẽ báo cáo Thủ tướng hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ Xuân 2020

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo được nêu trong thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ban hành chiều 13/1, sau hội nghị “Triển khai giải pháp đảm bảo cấp nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ” tổ chức mới đây.

Vận hành Trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh 
Thông báo nhấn mạnh, vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là vụ sản xuất chính, có ý nghĩa quan trọng cho việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho tiêu dùng tại chỗ ở khu vực nông thôn và đô thị lân cận.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019, các hồ chứa thủy điện tham gia điều tiết nước phục vụ sản xuất gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ hiện ở mức trữ thấp, thiếu hụt khoảng 7,0 tỷ mso với vụ Đông Xuân 2018 - 2019 và thiếu hụt từ 15 - 45% so với trung bình nhiều năm. Vì các lý do trên, nguồn nước cung cấp phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và thời gian tới ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để đảm bảo cấp nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương tham mưu điều hành chặt chẽ, linh hoạt các đợt lấy nước trên nguyên tắc tiết kiệm nước nhưng phải đảm bảo cấp đủ nước phục vụ gieo cấy.
Khẩn trương tổng hợp kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh năm 2019 - 2020 của các địa phương, trình Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuỷ lợi chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá lại quy hoạch, quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thích ứng với tình trạng lòng dẫn, mực nước sông bị hạ thấp.
Về lâu dài, chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, đơn vị có liên quan nghiên cứu việc áp dụng công nghệ mới trong việc lấy nước; trong đó, có giải pháp đập ngầm dâng nước nhằm phục hồi lòng sông, nâng cao hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần