Sẻ chia cùng người thầy

Gia Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trên những nẻo đường của Tổ quốc yêu thương, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương...”, cứ đến dịp 20/11, những câu hát của nhạc sĩ Hoàng Vân lại rộn ràng vang lên ở nhiều ngôi trường trên cả nước.

Từ xưa đến nay, người giáo viên Nhân dân - những loài hoa thơm đậm đà sắc hương ấy luôn là chiến sĩ miệt mài trên mặt trận văn hóa, được cả xã hội dành sự trân trọng, yêu mến. 
Nhưng giờ đây, giáo viên đang bị soi dưới nhiều lớp kính của xã hội, mà nhiều người chưa biết đúng, sai, phải, trái khi xảy ra một sự việc nào đấy đã vội phán xét. Có mấy ai thấu nỗi niềm trăn trở, tâm tư nguyện vọng của những thầy cô giáo miền biên ải. Họ chẳng ngại khó, sợ khổ, cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục ở nơi thâm sơn cùng cốc. Quá nhiều câu chuyện cảm động rớt nước mắt mà giáo viên miền xuôi chẳng thể hình dung nổi. Còn ở đồng bằng, nhà giáo cũng đối mặt với vô vàn áp lực cơm áo gạo tiền. Có những người thầy ngoài việc dạy học phải làm thêm thợ may, chạy chợ, nấu xôi từ nửa đêm đến sáng, rồi lại cuống cuồng lên lớp cho kịp giờ giảng. Có người đi làm 12 năm ăn lương hợp đồng chỉ vỏn vẹn 2,5 triệu đồng mỗi tháng, nghỉ hè bị cắt lương nhưng họ vẫn gắn bó với nghề, chờ cơ hội có được một suất biên chế. Ở TP, bên cạnh áp lực cơm áo gạo tiền, thầy cô giáo còn phải gánh trên vai những áp lực thành tích của mỗi học sinh, của lớp, của trường, rồi áp lực đến từ phía phụ huynh và cả dư luận xã hội.

TP Hồ Chí Minh từng có lệnh cấm giáo viên dạy thêm, ai vi phạm sẽ bị đuổi việc. Quy định này gây ra nhiều băn khoăn trong đội ngũ giáo viên và thậm chí cả phụ huynh học sinh. Bởi học thêm là một nhu cầu thiết thực của học sinh, giỏi thì cần kiến thức nâng cao, yếu thì cần bồi dưỡng thêm. Chỉ có điều, quản lý thế nào để không xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, trái phép. Trăn trở của nhiều người, mong mỏi của nhiều nhà giáo cũng như xã hội là thầy cô có được cuộc sống được đủ đầy, cả về vật chất lẫn tinh thần, để dành trọn tâm huyết cho nghề, để đào tạo ra những lứa học sinh được trang bị vững vàng về kiến thức, kỹ năng sống và có một tâm hồn đẹp, trái tim biết sẻ chia, đồng cảm. Đừng ép các thầy cô vào khuôn phép, giáo viên phải nghèo mới “sạch”, mới “thơm”, mới yêu nghề.

Xã hội ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, đừng vì một vài hiện tượng, hay phát ngôn chưa chuẩn mực của một vài cá nhân nào đó, mà đánh đồng tất cả. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho những người thầy, họ luôn như những người lái tàu vượt ga khó để đưa xã hội ngày càng văn minh, công bằng, dân chủ và từng ngày tiến bộ hơn.

Mong rằng, thầy cô luôn nỗ lực cả phẩm chất, năng lực để hoàn thành sứ mệnh dạy người của mình trước những yêu cầu đổi mới của nền giáo dục nước nhà. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh của mỗi nhà giáo, vừa giữ được phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý này, lại vẫn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần