Sẻ chia khó khăn với cô trò các điểm trường mầm non vùng cao

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lớp học khang trang dành cho các bé mầm non sẽ được Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) đầu tư, xây dựng tặng xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng của những doanh nhân Thủ đô.

Các em mầm non ngủ trưa tại lớp học
Lội bùn đất đến trường mỗi khi mưa lớn
Chiềng Chăn là 1 xã nghèo vùng cao, nằm ở phía Đông Nam của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Dân số xã chừng khoảng 6.500 người thuộc các dân tộc: Thái, Mông, Kinh, trong đó người Thái chiếm đa số. Xã có diện tích rộng, dân cư sống không tập trung và chỉ có 1 trường mầm non trên địa bàn.
Theo bà Hoàng Tuyết Minh - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Chiềng Chăn, trước đây trường có 11 điểm nuôi dạy các cháu, tuy nhiên năm nay đã rút xuống còn 9 điểm, bởi 2 điểm dân cư sống rải rác, không đủ số trẻ để thành lập lớp học.
Tại 9 điểm trường còn lại, ngoài lớp học tại trung tâm xã được quan tâm đầu tư tương đối đầy đủ, còn lại 8 điểm rất khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt tại điểm trường Tong Tải B.
Cô Ly Thị Giàng - 1 trong 2 giáo viên tại điểm trường Tong Tải B cho biết, hiện có 2 lớp học tại đây. Lớp trẻ 5 tuổi có 17 cháu, lớp 3 - 4 là lớp ghép có 31 cháu. Trong khi 17 cháu lớp 5 tuổi được nuôi dạy và sinh hoạt trong 1 phòng rộng chừng 50m2, thì 31 cháu nhỏ hơn đang phải ở trong 1 phòng rất bé, vốn trước đây được xây dựng làm chỗ nghỉ trưa của các giáo viên.
Cơ sở vật chất xuống cấp của điểm trường
Bên cạnh đó, do xây dựng từ lâu nên 2 lớp học đã dần xuống cấp, nhiều mảng tường bong tróc, nhà vệ sinh hư hỏng khiến các cô trò phải sử dụng 1 nhà vệ sinh "thiên nhiên" được dựng tạm gần đó. Đặc biệt, nước dùng trong sinh hoạt, ăn uống của 50 con người phải vận chuyển trong những can lớn từ dưới các bản lên.
"Đa số gia đình các cháu ở đây đều là người Mông, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sinh kế chủ yếu từ nương rẫy. Trong 2 lớp học thì có khoảng 17 cháu bán trú, gia đình đưa cơm theo cho các con ăn trưa. Tuy nhiên, thường cũng chỉ là cơm trắng, ít rau, thi thoảng thêm quả trứng, miếng thịt. Các cô cũng không có điều kiện để lo thêm khẩu phần ăn đầy đủ cho các con, chỉ cải thiện thêm được ít rau tự trồng, gói mỳ tôm pha loãng...", cô Ly Thị Giàng tâm sự.
Hiệu trưởng trường Mầm non xã Chiềng Chăn thông tin thêm, điểm trường Tong Tải B nằm cách trung tâm xã chừng 3km. Vào mùa mưa, con đường lầy lội không phương tiện nào có thể lên được, giáo viên và các con đều phải lội bộ đến trường. Nằm trên 1 vị trí khá cao nên trong các năm qua, điểm trường không bị ảnh hưởng nhiều bởi các đợt thiên tai, tuy nhiên trong bản có nhiều điểm bị sạt lở đất, mỗi lần như vậy việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.
Từng can nước được vận chuyển lên để phục vụ sinh hoạt, ăn uống của 50 cô trò.
Thể hiện trách nhiệm với cộng đồng
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng phòng học cho các con, Hội DN trẻ Hà Nội đã liên hệ với chính quyền địa phương và được chấp thuận đầu tư, xây dựng lớp học mới tại điểm trường Tong Tải B.
Theo ông Nguyễn Đăng - Tổng thư ký Hội DN trẻ Hà Nội, Hội sẽ xây 1 lớp học khang trang rộng chừng 54m2 (lớp học tiêu chuẩn), hệ thống nhà vệ sinh, điện nước hoàn chỉnh cùng khoảng 200m2 sân vui chơi tặng điểm trường. Toàn bộ kinh phí sẽ do Hội tài trợ, đây là tấm lòng của các DN thành viên đóng góp. Dự kiến, việc xây dựng lớp học trong khoảng 1 tháng và khai trương trước mùa mưa tại địa phương (mùa mưa ở Chiềng Chăn bắt đầu từ khoảng tháng 6 hàng năm).
Tổng thư ký Hội DN trẻ Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2018 Hội đã xây được 2 điểm trường kiên cố cho đồng bào bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) trị giá 220 triệu đồng, và điểm trường Khay Dao (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) trị giá khoảng 266 triệu đồng.
Địa điểm dự kiến xây dựng nằm ngay cạnh 2 lớp học hiện tại.
"Bằng việc làm ý nghĩa, nhân văn trên cho thấy, không chỉ làm giàu cho DN mình, đóng góp nghĩa vụ thuế cho nhà nước mà Hội DN trẻ Hà Nội luôn đồng hành và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng", Tổng thư ký Hội DN trẻ Hà Nội nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng, trong năm 2019 ngoài xây dựng lớp học tại điểm trường Tong Tải B, Hội sẽ khảo sát và hỗ trợ xây dựng thêm 1 điểm trường/lớp học nữa. Bên cạnh đó, Hội cũng đã hợp tác với Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội để hỗ trợ về kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho 1 trường khó khăn trên địa bàn Thủ đô.
Cùng với những hoạt động chuyên môn, tạo cơ hội hợp tác và kinh doanh cho các hội viên, Hội DN trẻ Hà Nội trong 1 năm tổ chức nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân trẻ. Tiêu biểu như gây quỹ hỗ trợ cộng đồng; xây dựng lớp học mầm non; hỗ trợ khẩn cấp các địa phương bị thiên tai, bão lũ; tổ chức chương trình Tết cho bệnh nhi tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần