Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sẻ chia một mái nhà, ấm lòng nơi quê mới

Kinhtedothi-Với việc hơn 1.000 cán bộ rời Kon Tum (cũ) về Quảng Ngãi nhận công tác sau sáp nhập tỉnh, chốn ở tạm trở thành nỗi lo lớn nhất. Nhưng chính người dân nơi từng là “đất khách”, nay là quê hương chung, đã mở lòng sẻ chia, đùm bọc nhau như ruột thịt.

Tìm người để… cho ở nhờ

Trên Facebook, anh Võ Hồng Tiến (phường Cẩm Thành, tỉnh Quảng Ngãi) viết một dòng trạng thái đơn giản: "Mình có căn nhà cấp 4 rộng khoảng 40m2, đầy đủ phòng ngủ, bếp, vệ sinh, để trống lâu nay. Anh em từ Kon Tum về công tác, nếu chưa tìm được chỗ ở thì có thể đến ở tạm miễn phí. Nhà cách Tỉnh ủy khoảng 3km. Ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn.”

Anh Tiến sửa sang nhà cửa, sẵn sàng đón khách vào ở.

Không phải quảng cáo nhà cho thuê, không phải người làm dịch vụ, anh Tiến chỉ đơn thuần muốn chia sẻ chút điều kiện sẵn có với những người đang lâm cảnh bối rối. Vợ chồng anh còn tạm gác lại những ngày nghỉ cuối tuần tại “nhà vườn”, mua thêm máy lạnh, tủ lạnh, đồ bếp... để người khách chưa từng quen biết có thể an tâm sinh sống, làm việc.

Chỉ vài chục phút sau sau khi đăng tải dòng trạng thái, một cán bộ công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ đã điện thoại mong được "an cư". Cả chủ nhà và vị khách đều cười vui dẫu chưa một lần biết mặt.

Chị Đoàn Thị Thùy Giang (vợ anh Tiến) chia sẻ nhẹ nhàng: “Cũng chỉ mong các anh chị ấy bớt đi một nỗi lo, có nơi đi về sau giờ làm là đã mừng rồi. Mình không tính tiền, chỉ mong người đến ở giữ gìn sạch sẽ , chỉ cần phụ tiền điện là được.”

Căn nhà của anh Tiến được trang bị thêm một số thiết bị, vật dụng... để đảm bảo nơi ở tốt nhất, giúp người ở an tâm công tác.

Ở một nơi khác của Quảng Ngãi, chị Ngô Thị Na (hiện công tác ở xã Măng Đen) cũng đăng một dòng trạng thái tương tự: "Ai từ Kon Tum về Quảng Ngãi công tác mà chưa có nhà, ghé nhà mình nhé. Nhà có hai phòng ngủ, điều hòa, bếp núc đầy đủ. Không lấy tiền thuê, thật sự cần là được. Xa trung tâm một chút nhưng yên tĩnh, mát mẻ lắm".

Chị Na và chồng vốn quê ở xã Sơn Tịnh, căn nhà họ vừa xây năm ngoái. Vì công tác xa nên ít khi sử dụng đến, nay sẵn lòng nhường lại cho đồng nghiệp trú tạm, dù chẳng quen biết. Bởi chị hiểu, hành trình rời xa mái ấm để bắt đầu ở một nơi khác là điều chẳng dễ dàng gì.

Ngôi nhà của chị Ngô Thị Na rộng cửa đón khách.

"Công tác xa nhà là chuyện nhiều người phải trải qua. Có người để ở nhờ, để đi về sau giờ làm là điều rất quan trọng. Mình từng trải qua rồi nên hiểu, nay có cơ hội chia sẻ thì không do dự gì cả"- chị Na nói.

Chuyến đi không đơn giản là điều chuyển công tác

Hàng nghìn cán bộ Kon Tum (cũ) những ngày qua rời phố núi để về vùng trung tâm Quảng Ngãi. Họ để lại sau lưng những nếp sinh hoạt quen thuộc, trường học của con cái, cha mẹ già, những cộng đồng làm việc gắn bó bao năm... để bắt đầu hành trình mới trong một tỉnh mới.

Có người mang thân “3 quê”: nơi ở tạm, nơi làm việc và nơi gia đình - cách nhau hàng trăm cây số. Không ít người phải chấp nhận thuê nhà xa trung tâm, ở ghép, hoặc chờ một suất nhà công vụ. Nhà trọ ít dần, giá nhà tăng vọt...

Những dòng trạng thái trên Facebook làm ấm lòng người.

Những nghĩa cử giản dị như của anh Tiến, chị Na và rất nhiều người dân Quảng Ngãi khác trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Không giấy tờ, không ký kết, không ngần ngại, họ mời người lạ đến ở như mời một người thân trở về.

"Quảng Ngãi và Kon Tum giờ là một"- một cán bộ trẻ viết trên Facebook. Dòng chữ ngắn, nhưng thấm đẫm niềm tri ân. Sự hỗ trợ hôm nay không chỉ là một mái nhà tạm, mà còn là bàn tay nắm lấy nhau giữa biến động lớn. Để những người đang gồng gánh áp lực nơi đất mới cảm thấy rằng, họ không đơn độc.

Từ ngày 1/7, nhiều cán bộ từ Kon Tum (cũ) đến Quảng Ngãi để nhận công tác.

Mỗi cuộc chuyển mình đều mang theo những đổi thay và thử thách. Với nhiều cán bộ từ Kon Tum (cũ) về Quảng Ngãi công tác, hành trình ấy không chỉ là một lần điều chuyển, mà còn là bước bắt đầu lại giữa bao lo toan nơi đất mới.

Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, sự sẻ chia, đồng cảm và tinh thần đoàn kết chính là điều quý giá nhất. Người xứ Quảng vốn giàu nghĩa tình, mong rằng trong thời khắc đặc biệt này, những tấm lòng ấy sẽ tiếp tục được lan tỏa.

Quảng Ngãi hướng đến phát triển công nghiệp bền vững

Quảng Ngãi hướng đến phát triển công nghiệp bền vững

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tinh thần phụng sự xã hội

Lan tỏa tinh thần phụng sự xã hội

17 Jun, 06:00 AM

Kinhtedothi - Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, sự thành công của một DN không chỉ nằm ở việc đạt được lợi nhuận cao hay khẳng định vị thế trên thương trường, mà còn ở những giá trị bền vững mà DN mang lại cho cộng đồng và xã hội.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ