Sẽ có Bách khoa Toàn thư về Du lịch

Tin và ảnh: Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Ban biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học Nghiên cứu, Xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa Toàn thư (BKTT) chuyên ngành Du lịch.

Ngày 15/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 238/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch Hội đồng. Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng đã ký quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Đề án và Quyết định bổ nhiệm 37 Trưởng ban biên soạn Chuyên ngành.
 Toàn cảnh Hội thảo.
Ngày 05/12/2016, Ban chủ nhiệm đề án đã có quyết định số 2483/QĐ-BCNĐA phê duyệt nhân sự Ban biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực và Trang phục (Quyển 35), bao gồm GS.TS Nguyễn Văn Đính là Trưởng ban. Ban biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch có ba thành viên chính là: ông Vũ Thế Bình, TS Nguyễn Anh Tuấn, Th.S Vũ Quốc Trí và các thành viên là các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch hiện nay là một ngành kinh tế hàng đầu của thế giới. Việc xây dựng BKTT chuyên ngành Du lịch nhằm mục đích: Chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch, trong đó có hội nhập với tri thức Du lịch quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam hội tụ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững; Cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch và những người liên quan đến Du lịch; Phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư và cho toàn xã hội.
Theo đề án, chương trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được thực hiện trong 5 năm (2017-2021). Kế hoạch năm 2017 là các Ban biên soạn hoàn thành xây dựng đề cương quyển chuyên ngành và nội dung cơ bản của đề cương là cấu trúc vĩ mô – xây dựng Bảng mục từ của quyển chuyên ngành.
Ông Bình khẳng định, tuy là ngành kinh tế nhưng hoạt động của ngành Du lịch liên quan đến nhiều yếu tố xã hội, pháp luật, quan hệ quốc tế, an ninh, giao thông, thương mại, tài chính, tài nguyên môi trường, liên quan đến các loại hình dịch vụ như: lữ hành, lưu trú, vận chuyển, ẩm thực, văn nghệ…. Do vậy, khi xây dựng Luật Du lịch 2005, 2017, các khái niệm về Du lịch và các dạng hoạt động du lịch, các mối quan hệ trong hoạt động du lịch đã được sắp xếp theo  trình tự tương đối khoa học. Do vậy, cấu trúc vĩ mô của BKTT chuyên ngành Du lịch, Ban soạn thảo đã thiết kế dựa trên cấu trúc của Luật Du lịch để đảm bảo không bỏ sót bất cứ hoạt động quan trọng nào.
Về số lượng mục từ trong BKTT các chuyên ngành Du lịch, theo dự kiến của Ban biên soạn sẽ có khoảng 500-600 mục từ. Số lượng này là ít đối với ngành du lịch, bởi lẽ riêng giới thiệu các điểm đến tiêu biểu của Du lịch Việt Nam đã có hàng nghìn. Do vậy, trong quá trình biên soạn nội dung của từng mục từ, có thể đưa ra các mục từ ngắn, có nội dung gần với nhau vào một mục từ dài có tính tổng hợp. Nguyên tắc xây dựng Bảng mục từ là chính xác, toàn diện, cập nhật, hiện đại, chuẩn mực, dân tộc, quốc tế và cần yếu (cần thiết và quan trọng).