Sẽ có thêm các cuộc trừng phạt kinh tế vì Syria?

Ngọc Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ tấn công hóa học tại Syria gây ra tình hình bất ổn tại quốc gia Trung Đông đang tiếp tục kéo theo căng thẳng giữa nhiều quốc gia.

Anh đề xuất trừng phạt kinh tế với Nga
Trong bối cảnh các cuộc tấn công vũ khí hoá học xảy ra ở Khan Sheikhun, Syria, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã quyết định hủy chuyến công du đến Moscow. Giới chức Nga đã ngay lập tức thể hiện sự phản đối với quyết định này. Bộ Ngoại giao Nga cho hay việc hủy bỏ của ông Johnson cho thấy một "sự hiểu lầm cơ bản về các sự kiện ở Syria cũng như những nỗ lực của Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson yêu cầu trừng phạt Nga.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố, quyết định hủy bỏ chuyến thăm của ông Boris Johnson đã thể hiện sự yếu kém về vai trò của London trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và gay gắt chỉ trích rằng, Anh chỉ đứng sau lưng các đối tác chiến lược khi giải quyết các khủng hoảng.
Trả lời cho lý do của mình, Ngoại trưởng Anh khẳng định, động thái này là nhằm "đưa ra một thông điệp rõ ràng và nhất quán" đối với Moscow. Chưa dừng lại, quan hệ giữa 2 nước dự báo sẽ còn tiếp tục căng thẳng khi mới đây, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố đưa ra yêu cầu trừng phạt Nga tại phiên họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Italia. Theo đó, G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ sẽ thảo một kế hoạch chung cho vấn đề Syria. Những nguồn tin trong chính quyền Anh cho biết Ngoại trưởng nước này đang thúc đẩy nhóm G7 gia tăng sự trừng phạt với Nga, bao gồm trừng phạt kinh tế, cô lập Nga hơn nữa trên chính trường quốc tế và có thể là không cho phép Moscow tham dự lại nhóm G8. Năm 2014, Nga từng bị đình chỉ tư cách trong nhóm G8 (8 nền kinh tế hàng đầu gồm G7 và Nga) vì sáp nhập Crimea.
Giá dầu nhích tăng
Giá dầu đã tăng vào phiên giao dịch hôm thứ Hai (10/4), do nhu cầu tăng mạnh và sự mất ổn định về cuộc xung đột ở Syria. Cụ thể, giá dầu Brent tương lai đang ở mức 55,49 USD/ thùng, tăng 25 cent, tương đương 0,45% so với lần giao dịch gần nhất. Trong khi đó, Hợp đồng dầu dầu thô tương lai WTI tăng đến 52,48 USD/ thùng.
Ngân hàng ANZ dự báo, nhu cầu về dầu mỏ đang tăng mạnh và bối cảnh mất ổn định ở Trung Đông sẽ khiến thị trường cân bằng. Tuy nhiên, việc gia tăng giếng khoan dầu ở Mỹ trong tuần thứ 12 liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2015, đã khiến giá dầu chưa thể có mức tăng đột phá.
Nhưng các chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ giữ vững và không giảm trong tương lai gần. Matt Stanley, một nhà môi giới nhiên liệu dự báo, tiếp nối nhờ sự thành công trong việc đạt được thỏa thuận hạn chế sản lượng từ các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), giá dầu sẽ khó giảm trong tương lai gần.
Ngoài Mỹ, các nhà sản xuất khác cũng đang hưởng lợi từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC. Xuất khẩu dầu của Brazil đã tăng 65% kể từ tháng 2/2016, đạt mức kỷ lục hơn 1,46 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu của cơ quan chính phủ. Hãng tư vấn Wood Mackenzie ước tính, xuất khẩu dầu của Brazil sẽ đạt mức trung bình gần 1 triệu thùng/ngày cho cả năm 2017, tăng so với 798.000 thùng /ngày vào năm ngoái.