Hà Nội: Sẽ cưỡng chế Khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt vào ngày 30/11

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, ngày 30/11 tới chính quyền quận sẽ tổ chức cưỡng chế với các hộ gia đình đang sử dụng nhà, đất tại số 30A Lý Thường Kiệt - 33 Hàng Bài.

Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế để tổ chức thực hiện Quyết định số 3954/QĐ (ngày 26/10/2017) về thu hồi nhà, đất đối với các hộ gia đình đang sử dụng nhà, đất tại số 30A Lý Thường Kiệt - 33 Hàng Bài.

Đây là dự án (DA) chậm tiến độ gần 10 năm nay do một số hộ dân vin vào vị trí được cho là “đất vàng” để đòi giá đền bù trên trời và bất hợp tác với chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương trong việc trả lại mặt bằng.
 

Trên thực tế, dự án được thực hiện theo chủ trương xã hội hoá của UBND TP Hà Nội. Áp dụng chính sách tái định cư tại chỗ, vì vậy các hộ dân sẽ tiếp tục được sinh sống trên khu đất này trong điều kiện sinh hoạt hiện đại, văn minh.

Dưới đây là một số hình ảnh về khu đất 34 Lý Thường Kiệt – 33 Hàng Bài trước ngày cưỡng chế:

KTT 30A Lý Thường Kiệt - 33 Hàng Bài được xây dựng từ lâu, sau một thời gian dài sử dụng đã rơi vào tình trạng quá tải và xuống cấp nghiêm trọng. Trước khi di dời, trong KTT này có 41 hộ dân nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh và 1 nhà tắm công cộng vỏn vẹn 7m2.

 Khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi phải dùng cột sắt chống đỡ.

Sau khi biết TP có chủ trương xây lại KTT này, với chính sách cho phép cư dân được tái định cư tại chỗ. Đồng thời hỗ trợ kinh phí thuê nhà trong thời gian DA được triển khai, phần lớn các hộ dân tại đây đềutự giác chấp hành chính sách của TP. Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm vận động, vẫn còn 8 gia đình đang sử dụng nhà, đất chưa di dời, bàn giao mặt bằng. 

 

Chủ đầu tư cho biết đã nhiều lần xuống nướctiến hành tự thỏa thuận giá đền bù với hộ dân, nhưng các hộ này đưa ra mức tiền từ 4 - 5 tỷ đồng cho một căn hộ khoảng trên 20m2, tính ra tương đương 200 triệu đồng/m2, là mức giá không thể chấp nhận được.

 

Đến nay, phần lớn khu nhà này đã được tháo dỡ nên phần còn lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Chủ đầu tư đã nhiều lần cảnh báo cho những hộ vẫn đang sống ở KTT về tình trạng này, song họ vẫn không chịu di dời.

 

Với 30 hộ dân chấp thuận chủ trương cải tạo KTT đã được chủ đầu tư bố trí tạm cư tại Tổ 20, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng). Những hộ này được bố trí tạm cư tại các căn hộ có diện tích lớp gấp 2-3 lần so với chỗ ở cũ với cơ sở vật chất đầy đủ. 

 

Dù điều kiện sống ở khu tạm cư do chủ đầu tư bố trí rất tốt so với nơi ở cũ trước đây, song 5 năm nay vợ chồng cụ Vũ Đăng Khoa (SN 1933) vẫn mong từng ngày để được về nhà mới khang trang, hiện đại hơn. 

 

Các hộ dân đã di dời cho biết: Các hộ không chịu di dời không đại diện cho số đông. Do vậy, các hộ sống tại khu tạm cư đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị sớm thực hiện việc cưỡng chế để đẩy nhanh tốc độ dự án. 

 

Hiện nay, chi phí phát sinh do dự án chậm tiến độ, tiền thuê nhà, hỗ trợ tạm cư cho 5 tổ chức và gần 30 hộ gia đình, mỗi năm ngốn của chủ đầu tư tới gần chục tỷ đồng.

 

Chính sách chủ đạo của DA là “nhà đổi nhà”, các hộ gia đình và cơ quan, tổ chức được tái định cư tại chỗ với diện tích nhà lớn hơn 1,65 – 2,25 lần so với diện tích trước kia sử dụng. Với diện tích lớn hơn, cơ sở vật chất đảm bảo tốt hơn, sau xây dựng chất lượng sống cửa cư dân sẽ cao gấp nhiều lần so với điều kiện cũ.

 

Với chiều cao công trình là 10 tầng,diện tích tái hoàn trả cho các hộ dân và các cơ quan từ tầng 1 đến tầng 7 đã chiếm tới 77%, chủ đầu tư chỉ còn khai thác 23% diện tích còn lại để bù đắp chi phí.

Việc các hộ dân cố tình chây ỳ, không chịu di dời, trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của những người dân đã nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước. Ảnh ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của chủ đầu tư.

Từ đó, làm chậm trễ các chính sách đúng đắn của Nhà nước trong việc cải tạo bộ mặt đô thị, mang lại không gian sống văn minh, hiện đại hơn cho người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần