Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Sếp” VIB: Chúng tôi bình thản khi các ngân hàng lãi lớn nhờ công ty tài chính

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ngày 29/3, trả lời câu hỏi về việc VIB có nghĩ đến việc thành lập một công ty riêng về tài chính tiêu dùng như xu hướng các ngân hàng đã và đang thực hiện thời gian gần đây, Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết” “Nếu 3-5 năm nữa, báo chí đồng loạt đưa tin nhiều ngân hàng lãi khủng, thu nhập cao nhờ công ty tài chính tiêu dùng. Chúng tôi bình thản và vui vẻ trước những thông tin đó”.

Theo ông Vỹ, tài chính tiêu dùng là một lĩnh vực rủi ro cao. Mỗi ngân hàng có một trường phái phát triển khác nhau. Có ngân hàng chạy đua về quy mô, đặt quản trị rủi ro lên hàng thứ cấp. Có ngân hàng chạy theo chất lượng tăng trưởng và không đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên hàng đầu. Với VIB, ngân hàng này vừa đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng tăng trưởng tốt, vừa mở rộng về mặt quy mô.
 Ông Đặng Khắc Vỹ: ''Tài chính tiêu dùng là một lĩnh vực rủi ro cao''.
Người đứng đầu VIB cũng cho hay, việc thành lập riêng một công ty tài chính tiêu dùng là hơi khó. Hiện tại, các công ty tài chính tiêu dùng của các ngân hàng cũng chủ yếu mua lại từ các công ty tài chính đã có sẵn và VIB chưa “ngắm” được công ty nào như thế.
Tuy nhiên, theo ông Vỹ, ngân hàng đã và sẽ phát triển mạnh mảng tín dụng tiêu dùng. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 26%. Riêng với mảng ngân hàng bán lẻ, tăng trưởng tín dụng đạt 83%, tỷ lệ nợ xấu khối ngân hàng bán lẻ ở mức 0,9%. Ngân hàng cũng tích cực giải ngân cho vay ô tô, thị phần trong năm qua của ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu cho vay bán mới ô tô với tỷ lệ 11%. Số lượng thẻ tín dụng và doanh thu từ hoạt động liên kết bảo hiểm- ngân hàng (bancasuance) tăng trưởng lần lượt 78% và 45%. Sản phẩm cho vay mua nhà và ô tô của VIB hiện đang nằm ở nhóm cạnh tranh nhất thị trường. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ giúp VIB đa đang hóa các nguồn thu phi tín dụng.
Ngoài ra, trả lời câu hỏi "bao giờ ông trở thành tỷ phú trên sàn chứng khoán”, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, trong tất cả các cuộc họp, ông và các thành viên HĐQT, các cộng sự của VIB luôn nhắc đến 5 vấn đề lớn, đó là khách hàng, sản phẩm, nhân viên bán hàng, nền tảng bán hàng và rủi ro. "Chưa lần nào chúng tôi nhắc đến việc bao giờ có ai trong số chúng tôi trở thành tỷ phú cả. Mặc dù vậy, khi nhìn lại ngày mới niêm yết, giá cổ phiếu VIB 17.000 đồng, nay lên 40.000 đồng thì tôi tin các cổ đông sẽ là những người sở hữu tài sản lớn"- đại diện VIB cho hay.
Theo báo cáo tài chính của VIB, năm 2017, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và đạt 187% so với kế hoạch ĐHCĐ giao cho. Kế hoạch 2018, ngân hàng sẽ tăng lợi nhuận trước thuế lên 2.005 tỷ đồng, huy động vốn khách hàng tăng 20%, hệ số an toàn vốn duy trì mức 13.
Cũng trong ngày 29/3, vấn đề phát triển công ty tài chính tiêu dùng cũng được cổ đông nhắc đến tại ĐHCĐ của một ngân hàng khác là Ngân hàng Quân Đội (MB). Theo đó, trong năm 2017, MB đã tham gia vào các lĩnh vực mới có tiềm năng tăng trưởng và hiệu quả cao như kết hợp với Shinsei thành lập Tài chính MB Shinsei (Mcredit). Mcredit đặt mục tiêu Top 5 công ty tài chính tiêu dùng. Năm 2018, MCredit đặt mục tiêu tổng dư nợ 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, Mcredit đã chuẩn bị thử nghiệm 1 năm các sản phẩm tài chính phù hợp nhất là đối với đối tượng quân nhân và kỳ vọng các sản phẩm này sẽ tăng trưởng doanh số nhanh trong các năm tới.