SHB và câu chuyện những người dám mở đường

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã đi qua tuổi 20 với những năm tháng dấn thân đẹp đẽ. Ở tuổi 23, SHB vẫn tràn đầy khát vọng với những quyết định nhiều táo bạo nhưng cũng đủ độ “chín” để thành công hơn trên con đường chinh phục những mục tiêu mới.

Khởi nghiệp với 8 nhân viên
Từ một ngân hàng có quy mô vốn điều lệ chỉ 400 triệu đồng, 8 nhân viên nghiệp vụ, đến nay, SHB trở thành một định chế lớn, nằm trong Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam không do Nhà nước chi phối vốn. Sức mạnh nào đã biến SHB từ một nhà băng không tên tuổi trở thành một định chế lớn, uy tín trong và ngoài nước? Người đứng đầu SHB - Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển nói rằng, tài sản giá trị nhất của SHB là con người - những con người đã dày công gây dựng, phát triển và đưa SHB vượt qua nhiều gian khó. “Chúng tôi may mắn vì có một đội ngũ cán bộ nhân viên SHB đoàn kết, tâm huyết. Nếu không có một tập thể lãnh đạo dám mở đường chinh phục các đỉnh cao, không có đội ngũ nhân viên lao động và cống hiến quên mình, sẽ không có SHB của ngày hôm nay”- ông Hiển nhấn mạnh.
 Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển
SHB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái, được thành lập vào ngày 13/11/1993 tại huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ với tổng vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng và 8 nhân viên nghiệp vụ. Thời điểm đó có nhiều tập đoàn “nhòm ngó” Nhơn Ái nhưng ông Trần Ngọc Linh - Chủ tịch Ngân hàng Nhơn Ái đã chọn Tập đoàn T&T làm đối tác.

Bước ngoặt của ngân hàng quy mô nhỏ, thương hiệu chưa có ngày ấy bắt đầu từ năm 2005. Trong 3 năm, từ năm 2005 - 2008, những người “mở đường” của SHB đã dũng cảm chuẩn bị và thực hiện một loạt việc lớn, bước đầu thay đổi diện mạo SHB. Đó là chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị, tăng vốn điều lệ và chính thức “khởi nghiệp” tại khu vực phía Bắc bằng việc chuyển trụ sở chính ra Hà Nội. Từ đó, tại SHB, mỗi giai đoạn, mỗi dấu mốc lịch sử là một lần SHB chuyển mình và mang trong mình hừng hực khí thế tinh thần khởi nghiệp.

“Thương hiệu là một lời hứa”

Sau khi “Bắc tiến” thành công, SHB tính đến chuyện lên sàn. Hội đồng Quản trị SHB đã đặt ra mục tiêu và kế hoạch lớn là phải niêm yết cổ phiếu SHB trên sàn giao dịch chứng khoán, đưa SHB trở thành một công ty đại chúng. “Trở thành công ty đại chúng, SHB sẽ có thêm động lực vô cùng lớn lao để thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng phát triển vững mạnh và minh bạch. Xây dựng nền tảng lớn mạnh của Ngân hàng phải gắn liền với sự minh bạch, phát triển lành mạnh và ổn định. Đây cũng là thông điệp phát triển của SHB giai đoạn đó và là triết lý kinh doanh lâu dài của SHB” - ông Hiển tâm sự.

Với SHB, thương hiệu là một lời hứa, là những cam kết của DN với thị trường, với khách hàng chứ không phải chỉ là việc khách hàng và công chúng biết đến cái tên SHB. Tháng 4/2009, SHB chào sàn. Ngày đầu niêm yết, mã chứng khoán này đã trở thành một hiện tượng được giới đầu tư săn đón. Sau gần 8 tháng, cổ phiếu SHB đã tăng hơn 48%, từ mức giá chào sàn 15.200 đồng/CP ngày đầu lên mức 22.600 đồng/CP và trở thành một trong 10 mã chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường thời điểm đó.

Cần nhấn mạnh, thời điểm đó, SHB là ngân hàng TMCP thứ 3 trong toàn hệ thống ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn với mức vốn hóa lớn. Uy tín của SHB đã nâng lên rất đáng kể trên thị trường sau sự kiện này. Và không chỉ với thị trường, với khách hàng, nhà đầu tư, SHB chính thức trở thành một cái tên của số đông công chúng.

Vươn mình với những quyết định táo bạo

Năm 2012 là một năm SHB có rất nhiều sự kiện quan trọng. Vừa chuẩn bị để “khởi nghiệp” ở nước ngoài bằng việc thành lập chi nhánh tại Lào và Campuchia, SHB vừa phải chuẩn bị cả nguồn lực và nhân lực để nhận sáp nhập Ngân hàng Thương mại Nhà Hà Nội (HBB). Câu chuyện sáp nhập này, cho đến giờ vẫn được đánh giá là thương vụ M&A điển hình trong ngành tài chính ngân hàng.
Đến 30/9/2016, tổng tài sản của SHB đạt hơn 215.000 tỷ đồng, vốn tự có đạt gần 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng rủi ro đạt 788,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với 9 tháng đầu năm 2015.
Quyết định nhận sáp nhập HBB của SHB được thị trường tài chính đánh giá là dũng cảm và đầy rủi ro. Thực tế, giải quyết nợ xấu hậu thời kỳ nhận sáp nhập HBB là một câu chuyện dài và gian khổ với SHB. Để việc đưa HBB về chung nhà tốt đẹp hơn, toàn thể cán bộ, nhân viên SHB đã mất ăn mất ngủ hàng trăm ngày đằng đẵng. Trong thời gian “nóng như lửa” ấy, có nhiều vất vả, khó khăn, cũng có cả những dỗi hờn. Nhưng sau tất cả, những con người SHB vẫn đứng bên nhau, nắm tay nhau và “chiến đấu” thành công để khơi thông “cục máu đông” nợ xấu. Đầu năm 2016, nợ xấu SHB đã về dưới 2%, thấp hơn nhiều so với mức quy định của NHNN.

Cùng giai đoạn đó, SHB cũng đồng thời tham gia tái cấu trúc toàn diện các DN, trong đó phải kể đến câu chuyện Công ty Thủy sản Bình An. Đây không chỉ là việc SHB kế thừa các nghĩa vụ và quyền lợi khi nhận sáp nhập HBB mà còn là cứu một DN đã có thương hiệu lớn trên địa bàn, ngành hàng xuất khẩu lớn của đất nước trước bờ vực phá sản, giữ được sự ổn định về an ninh trật tự địa phương. Đặc biệt, đằng sau đấy còn là cuộc sống, là cơm áo và nghề nghiệp của hàng ngàn hộ dân nuôi cá.

Thời gian này, SHB đã được chấp thuận sáp nhập Công ty Tài chính - Tiêu dùng VVF. Thị trường, khách hàng đang đợi một công ty tài chính tiêu dùng SHB sớm đi vào hoạt động, thêm sự lựa chọn ở mảng tiêu dùng cá nhân, còn cổ đông thì đang đón chờ một sự phát triển vượt bậc trong thị trường bán lẻ của SHB và các giá trị thặng dư mà thương vụ nhận sáp nhập mang lại…

Đến nay, SHB có khoảng 4 triệu khách hàng, mạng lưới rộng khắp trong và ngoài nước, hơn 500 Chi nhánh - Phòng giao dịch, 2 Ngân hàng con 100% vốn tại Lào và Campuchia.

Có thể thấy, cho tới thời điểm này, không gì là SHB không dám “thử”. Thử để biết năng lực đến đâu, sức khỏe tài chính ra sao. Phép “thử” có nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, có chiến lược dài hơi và kế hoạch hành động cho từng giai đoạn của SHB luôn mang lại cho thị trường tài chính ngân hàng nhiều sự mới mẻ. “Vì dám mở đường, dám chinh phục nên con người SHB đã lao động không ngừng nghỉ. Thành quả của sự lao động cần mẫn và đầy sự sáng tạo, bứt phá đã chứng minh bằng các mục tiêu mà SHB đạt được trong những năm qua” - ông Hiển nhấn mạnh.

“23 năm mới là giai đoạn khởi đầu của một sự nghiệp lâu dài nhưng lại là thời kỳ tạo dựng những nền tảng quan trọng. Bước sang tuổi 24, SHB bước vào một giai đoạn phát triển mới với chiều sâu mới, quy mô mới và chiến lược mới”.

“Với SHB, thương hiệu là một lời hứa, là những cam kết của doanh nghiệp với thị trường, với khách hàng chứ không phải chỉ là việc khách hàng và công chúng biết đến cái tên SHB”.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần