SHB và giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ký thỏa thuận hợp tác với Kho bạc Nhà nước (KBNN), Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để phối hợp thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và thanh toán song phương điện tử; hợp tác với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) để hỗ trợ các DN hội viên nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả..., đó là những khối lượng công việc khổng lồ mà Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang đẩy mạnh triển khai.

Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê (thứ 5 từ trái sang) chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa SHB và Kho bạc Nhà nước. 
Khẳng định năng lực
Tính đến 31/3/2020, SHB có tổng tài sản đạt gần 369.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 17.550 tỷ đồng; vốn tự có đạt gần 34.000 tỷ đồng. SHB đã phát triển mạnh mẽ với hơn 8.500 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng cá nhân, DN và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB Nguyễn Văn Lê, với năng lực và nền tảng công nghệ hiện đại, SHB luôn sẵn sàng và mong muốn đồng hành cùng người dân và cộng đồng DN các tỉnh, thành để triển khai và phát triển các giải pháp thúc đẩy hiện đại hóa thu NSNN, thanh toán không dùng tiền mặt, cải thiện chất lượng phục vụ. Mới đây việc hợp tác giữa SHB với KBNN đã hiện thực hóa mục tiêu này.
Theo đó, hai bên phối hợp mở và sử dụng hệ thống tài khoản chuyên thu của KBNN tại SHB và thực hiện phối hợp thu, ủy nhiệm thu NSNN, kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu NSNN giữa SHB và KBNN...
“Sự tin tưởng, tín nhiệm của KBNN, cũng như của cơ quan quản lý Nhà nước khi hợp tác với SHB trong việc triển khai điện tử hóa các giao dịch, thu NSNN. SHB cam kết việc thực hiện thanh toán luôn được triển khai trên hệ thống công nghệ hiện đại nhất, bảo đảm đúng quy trình nghiệp vụ, an toàn, chính xác, gia tăng giá trị cho khách hàng và góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế” - Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB khẳng định.
Theo ông Lê, SHB cũng hợp tác với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để phối hợp thu NSNN đạt hiệu quả; đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế là các cá nhân và DN khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với NSNN. Việc hợp tác giữa SHB với KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là xu hướng kết nối tất yếu trong việc khẳng định năng lực, nền tảng công nghệ của các bên, là tiền đề để tăng cường hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ, chủ động tham gia CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, SHB cũng vinh dự được lựa chọn là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên hợp tác song phương điện tử với KBNN trong lĩnh vực thu NSNN và thanh toán song phương điện tử, góp phần số hóa nền kinh tế, thúc đẩy cải cách hành chính.
SHB luôn đồng hành, hỗ trợ các DN với nhiều chính sách ưu đãi. Ảnh: Hoàng Anh
Bà đỡ của doanh nghiệp
Nói về thỏa thuận hợp tác với VINASME, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB Nguyễn Văn Lê chia sẻ, hai bên hợp tác chặt chẽ trong việc cung ứng các giải pháp nhằm hỗ trợ các DN hội viên phát triển; tổ chức các chương trình về xúc tiến thương mại; phối hợp khảo sát nhu cầu hội viên của VINASME tại từng địa phương để SHB có thể xây dựng chính sách, sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất với từng hội viên theo đặc điểm ngành nghề, địa bàn. Từ đó, SHB triển khai các chương trình hỗ trợ các hội viên của VINASME tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Trong quá trình triển khai, hai bên còn phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hội thảo đào tạo nâng cao năng lực hoạt động của DN, hướng tới xây dựng cộng đồng DNNVV vững chắc, minh bạch và lành mạnh…
“DNNVV luôn chiếm tỷ trọng lớn, là đặc trưng của mọi nền kinh tế, không riêng ở Việt Nam. Thông qua việc hợp tác toàn diện với VINASME, SHB mong muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai các hoạt động, đáp ứng theo quy mô phát triển của các DNNVV. Việc hợp tác với VINASME tiếp tục là một sự kiện quan trọng của SHB trong tiến trình hiện thực hóa cam kết luôn đồng hành cùng DNNVV” - ông Lê nói.
Thời gian qua, SHB cũng đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho phân khúc DNNVV. Từ cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo điều kiện DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi hơn, đến triển khai nhiều sản phẩm tài trợ chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế…
Bên cạnh đó, SHB kết hợp với các DN lớn, tốp đầu chuỗi giá trị ngành theo định hướng kinh doanh của SHB để hỗ trợ các DNNVV về thông tin thị trường, về kênh phân phối, vốn và giải pháp công nghệ, đào tạo hướng dẫn, nâng cao quản trị các DN khởi nghiệp, DN siêu nhỏ, DNNVV…
Trước đó, SHB và Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp; nguồn vốn hỗ trợ sẽ dành cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị với lãi suất ưu đãi… Ngoài ra, SHB đã liên tiếp triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho các DN với hạn mức lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng…

Việc hợp tác song phương giữa KBNN và SHB sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cho người dân, DN khi thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Khách hàng có nhiều lựa chọn và thuận lợi hơn để thực hiện nghĩa vụ với NSNN; điện tử hóa các giao dịch, bảo đảm thu NSNN nhanh chóng, thuận lợi, chính xác, an toàn; hiện đại hóa hoạt động quản lý quỹ NSNN, ngân quỹ Nhà nước, ứng dụng KHCN để đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, giảm chi phí xã hội liên quan đến công tác thanh toán.

Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ

Hợp tác với SHB, VINASME đặt kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để khai thác nhiều hơn, có hiệu quả hơn thế mạnh của mỗi bên. Qua đó, sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn, cũng như cung cấp các dịch vụ tư vấn, mở ra nhiều cơ hội để các DN hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, đa dạng sản phẩm dịch vụ nhằm tăng trưởng lợi nhuận, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân