Showbiz Việt sẽ còn chứng kiến nhiều vụ tai tiếng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quá nhiều ồn ào, quá nhiều scandal trong showbiz Việt, khiến một người có thâm niên trong thẩm định nghệ thuật như nhà biên kịch Chu Thơm (nguyên Phó Trưởng phòng nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn) phải lắc đầu ngao ngán.

Theo ông, chỉ thị số 65/CT-VHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ra đời chỉ là giải pháp tình thế.

“Giải mã thảm họa”sân khấu

Bây giờ nghệ sĩ thích dệt thị phi mang chuyện đời tư để làm mồi câu dư luận. Ông có cho rằng, bức tranh về "thảm họa" sân khấu Việt đang quá dữ dội?

Showbiz Việt sẽ còn chứng kiến nhiều vụ tai tiếng - Ảnh 1Nhà biên kịch Chu Thơm
- Từ cách đây hơn 10 năm, trong những lần thẩm định các chương trình nghệ thuật, tôi đã nhận ra những mầm mống "thảm họa" showbiz, nhưng không nặng nề như bây giờ. Tôi còn nhớ, trong một kỳ họp Quốc hội ở đời Bộ trưởng Bộ VHTTDL trước, có một đại biểu đã đứng lên phát biểu thẳng thắn và cho rằng: "Một con khỉ đi diễn xiếc còn mặc quần áo tử tế, tại sao ca sĩ ăn mặc hớ hênh". Ngày trước, một cô diễn viên có clip sex, dù đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng đã xấu hổ, im lặng rút lui khỏi nghệ thuật. Còn bây giờ, không ít cô sau scandal phim sex lại lấy thương hiệu là sexy. Sau scandal cô càng nổi tiếng hơn, hàng đêm đi diễn tại quán bar với giá vài chục triệu. Sóng chân dài cập bờ sân khấu và điện ảnh, ca nhạc, ai có tí chân dài, tí nhan sắc là thành nghệ sĩ biểu diễn. Cho nên, mấy cô ca sĩ đã thành danh vin vào điện ảnh để người ta không quên mình, còn đạo diễn vin vào chân dài để bán vé.

Những người gây thảm họa thường là những người bất tài. Tôi ví như những cặp nghệ sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân - Quốc Triệu, Phương Thảo - Ngọc Lễ, không bao giờ xúng xính quần nọ áo kia, khoe thân khoe xác nhưng vẫn được công chúng tôn trọng và đón nhận nhiệt tình. Ca sĩ Thủy Tiên hát bài "Ta yêu trong mùa gió" (Quốc Bảo) rất hay, rất nổi tiếng rồi nhưng sao giờ phải khoe đồng hồ 4 tỷ đồng. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói, có những kẻ toàn đeo đồng hồ tốt ở trên tay mà không bao giờ đúng giờ…

Theo ông đâu là nguyên nhân để "thảm họa" nghệ thuật có đất sinh sôi và phát triển?

- Từ khi thông tin mạng bùng nổ, truyền hình phủ sóng 24/24 giờ, nhưng lại không chắt lọc, phát sóng cả những hình ảnh phản cảm, những quảng cáo dâm tục, nên "thảm họa" xuất hiện và phát triển mạnh. Một bộ phận thế hệ @, thế hệ gấu bông và thế hệ gấu ôm, thế hệ nghiện sex - những tên gọi cho giới trẻ bây giờ, xa lánh sự giáo dục của gia đình, thích hưởng thụ. Bây giờ giới trẻ không đọc những tác phẩm văn chương uyên thâm mà đọc "Xin lỗi em chỉ là con đĩ", "Anh có thích nước Mỹ không?". Chúng ta chết đuối trên biển thông tin vì không biết túm vào cái phao văn hóa mang hồn cốt dân tộc. Chúng ta không thể đổ lỗi cho hội nhập mà chỉ vì chưa chuẩn bị tốt nền tảng nên từ chủ thể văn hóa dễ dàng biến thành khách thể. Thế nên mới có chuyện fan cuồng hôn ghế Birain, hàng ngàn người chen lấn đến ngất xỉu vì Big Bang.

“Hư vinh Hoa Đà chịu”

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ra chỉ thị 65/CT-VHTTDL, ngày 16/4/2012 nhằm chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang lệch lạc. Ông nghĩ sao về tính khả thi của chỉ thị này?

- Sau khi đọc Chỉ thị này, tự dưng tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Lương y Hoa Đà - người chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo, chữa vết thương nhiễm độc cho Quan Vân Trường từ thế kỷ thứ 2. Câu nói thế này: "Bách bệnh Hoa Đà trị, hư vinh Hoa Đà chịu". Như vậy, căn bệnh hư vinh có từ thời xưa rồi, bệnh thích gây thảm hoạ để nổi tiếng của "các ngôi sao đom đóm" Việt là căn bệnh vô phương cứu chữa. Chỉ thị 65 chỉ là giải pháp tình thế. Bởi vì "bé không vin, cả gãy cành" phải dạy con từ thuở còn thơ chứ đợi đến khi nó đã gây ra quá nhiều scand khoe thân, khoe xác, tôn thờ chân lý "không thảm hoạ bất thành nổi tiếng" thì bệnh đã nặng quá mất rồi. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định những vấn đề nhức nhối của sân khấu biểu diễn đã chạm được đến cửa ngõ tiếp nhận của ông "Tư lệnh" ngành văn hóa.

Chỉ thị quy rõ trách nhiệm của người cấp phép. Và khi khâu thẩm định nghệ thuật đến khâu cấp phép được chỉn chu sẽ ngăn chặn phần nào thảm họa?

- Nhiều năm thẩm định nghệ thuật, tôi phải khẳng định rằng khâu hối lộ cán bộ văn hóa trở thành thói quen của người tổ chức biểu diễn. Thế mới có chuyện một số công ty tổ chức sự kiện không có đủ tài năng và tính chuyên nghiệp đã "trúng thầu" thể hiện các chương trình nghệ thuật chào mừng đến lễ hội lớn của đất nước. Và thế mới có chuyện chiếc bánh chưng kỷ lục năm nào bị ôi thiu… Rất nhiều sai sót nghệ thuật không có cớ gì người thẩm định không nhận ra mà họ cố tình làm ngơ.

Nhưng sau khâu thẩm định, cấp phép, chức năng của thanh tra văn hóa cũng được Bộ trưởng siết chặt. Nên chẳng có lý do gì để bi quan?

-    Nếu nói thanh tra văn hóa sẽ nghiêm minh, vậy tôi xin hỏi tại sao những hình ảnh phản cảm như trong bộ phim "Hoa nắng" đang được phát sóng trên VTV không bị tuýt còi? Tại sao tập phim chia tay Nhật ký Vàng Anh làm chấn động đến cả Thủ tướng mà Đài Truyền hình Việt Nam chưa bao giờ đưa ra lời xin lỗi khán giả. Thêm nữa, truyền hình đang tràn lan các màn ăn cắp ý tưởng, ăn cắp mà vẫn để Bước nhảy hoàn vũ 2012 tiếp diễn. Chế tài xử phạt của ta đang quá nương nhẹ. Chúng ta nhạy cảm chính trị, một thời cấm Thu Phương và Bằng Kiều về Việt Nam biểu diễn, trong khi ca sĩ Minh Hằng mặc quần ren phản cảm trước hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng và em nhỏ nghèo trong chương trình từ thiện, thì chỉ bị phạt 3 triệu đồng. Tại sao chúng ta không phạt cấm biểu diễn trong thời hạn nhất định, nếu mức phạt bằng 1/10 giá trị một sô diễn sẽ không đủ sức răn đe. Chắc chắn thời gian tới sân khấu Việt còn chứng kiến hàng loạt vụ tai tiếng. Vì cứ tai tiếng mà thu được bội tiền cát - sê thì những kẻ háo danh chẳng tội gì không làm.

Xin cảm ơn ông!

   

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần