Siết chặt an toàn phòng thi

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều hành vi gian lận bằng thiết bị công nghệ cao đã bị phát hiện trong các kỳ thi THPT quốc gia năm trước. Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu các cán bộ làm công tác coi thi cần phải tập trung cao độ, thực hiện đúng vai trò của mình.

 Học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức trong giờ ôn tập. Ảnh: Phạm Hùng
Muôn vàn kiểu gian lận
Gian lận trong thi cử, thiết bị quay cóp công nghệ cao luôn là chủ đề “nóng” mỗi mùa thi đến. Tra cứu từ khóa “tai nghe bí mật siêu nhỏ”, chưa đến 1 phút tìm kiếm, google đã cho ra hơn 75 triệu kết quả. Hầu hết các địa chỉ rao bán thiết bị đều có lời quảng cáo hấp dẫn như tai nghe không dây siêu nhỏ, bảo mật cao, không thể phát hiện, chất lượng âm thanh tốt, được tích hợp qua các thiết bị hỗ trợ ngụy trang. Từ địa chỉ rao trên mạng, chúng tôi gọi vào số máy 097.123.xxx, một nam nhân viên bán hàng cho biết, năm nay vẫn chủ yếu bán các thiết bị tai nghe siêu nhỏ dưới dạng thẻ ATM, tai nghe siêu nhỏ cắm sim có vòng dây hay dạng móc khóa ô tô…
Theo lời quảng cáo, nếu dùng thiết bị này, giám thị rất khó phát hiện. Người dùng có thể ngụy trang ở trên khắp cơ thể như kẹp nách, bắp tay hay dán ở túi áo, thậm chí bỏ vào trong áo ngực, giá của các loại này lên tới 3 triệu đồng và bảo hành một năm.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhận định: “Thiết bị gian lận trên mạng xuất hiện rất nhiều, tinh vi, ngụy trang bằng nhiều cách. Năm ngoái, ở Quảng Nam, có trường hợp dùng tai nghe không dây như hạt đậu phải dùng nam châm hút ra. Cũng tại địa phương này, một thí sinh (TS) sử dụng máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể truyền phát thông tin” - ông Bằng nói. Cũng theo ông Bằng, những TS nào có ý đồ gian lận thì chắc chắn sẽ có thái độ bất thường. Do đó chỉ cần giám thị tập trung ngay từ đầu sẽ phát hiện được.

Đại diện Bộ GD&ĐT nhận định thêm, hiện tượng gian lận thi có thể xảy ra ở nhiều trường hợp như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài TS này đưa cho TS khác, chấm thi không đúng, đưa đề thi ra ngoài, thi hộ... Không chỉ với TS mà còn cả cán bộ coi thi, làm nhiệm vụ thi cũng không loại trừ khả năng này. Tuy nhiên, việc này sẽ giảm nếu tuyên truyền tốt. Trước khi vào phòng thi, giám thị cũng cần quán triệt các TS, tránh trường hợp có thể không cố tình nhưng quên dẫn đến hệ quả đáng tiếc. Nói về công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi sắp tới, ông Bằng cho hay, vai trò số một vẫn là giám thị.

Thêm nhiều quy chế mới

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành nhiều nội dung mới để tránh tối đa những tiêu cực. Ông Nam Nhật Minh - Phó trưởng Phòng Quản lý thi và Tuyển sinh (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) thông tin: Để quản lý các bài thi của TS an toàn từ phòng thi cho đến khi chấm, Bộ cũng quy định từ quy cách niêm phong đến việc kiểm đếm của cán bộ phải kỹ lưỡng. Phó, trưởng điểm thi đến từ các trường đại học phải ký vào các tem nhãn niêm phong. Đặc biệt, cán bộ coi thi và chấm thi phải đăng ký chữ ký, được lưu giữ lại cùng với bài thi của TS, nếu có vấn đề phát sinh cần so sánh thì sẽ có cơ sở truy và kiểm chứng.

Ngoài ra, thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm ngoái. Giữa các môn thi thành phần, giám thị sẽ thu lại toàn bộ giấy nháp thi, đề thi, tài liệu, vật dụng mà TS có ghi chép lại dấu hiệu của môn thi trước. Phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ đóng niêm phong như với đề thi, đảm bảo mỗi một TS chỉ có một phiếu trả lời trong một bài thi, môn thi thành phần. Trong trường hợp bị lỗi, rách…, TS sẽ được đổi phiếu dự phòng do trưởng điểm thi quản lý và phải có biên bản thay đổi.

Bộ GD&ĐT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, đặc biệt trong công tác đăng ký dự thi, chuẩn bị cho hoạt động tổ chức thi, ra đề và chấm thi. Ngân hàng câu hỏi thi tiếp tục được xây dựng, làm cơ sở cho Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia tham khảo để ra đề thi. Đồng thời nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm nhằm tăng độ chính xác, khách quan.