Siết chặt kỷ cương, xây dựng Thủ đô phát triển

Nhóm PV KT&ĐT (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào năm 2017, Hà Nội xác định là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm tạo đột phá trong củng cố kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ, nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống văn hóa tại công sở

Các địa điểm công cộng, nơi cư trú của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP. Trước thềm năm mới, lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện đã thể hiện quyết tâm thực hiện việc siết chặt kỷ cương, xây dựng Thủ đô phát triển.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải: Giám sát chặt thu - chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách

Năm 2017, là năm đầu tiên triển khai điều hành ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 và là năm đầu tiên Luật Ngân sách 2015 chính thức có hiệu lực. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNNN) theo dự toán 2017 tăng 17% so 2016, đáp ứng các nhu cầu chi đầu tư cho các dự án trọng điểm, thiết yếu trong khi nguồn lực còn hạn chế, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP Hà Nội các giải pháp giám sát thu, chi ngân sách chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Cụ thể, Sở đã và sẽ có nhiều giải pháp triển khai hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật NSNN năm 2015; Tập trung xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn giai đoạn 2018 - 2020; Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách năm 2017 theo dự toán UBND TP giao theo hướng chủ động, tích cực, đảm bảo an sinh xã hội và cân đối ngân sách, hạn chế tối đa tính trạng phân bổ chậm tại các đơn vị. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản Nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, các dự án trọng điểm, quan trọng của Thủ đô.

Một nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành cũng được Sở Tài chính đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, Sở đã và sẽ tổ chức triển khai hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017”; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Thay đổi quan điểm cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ.


Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục: Tiếp tục duy trì trật tự, mỹ quan đô thị để thành phố luôn sáng, xanh, sạch, đẹp

Trong năm 2016, với vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước về xây dựng của TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Qua đó, bộ mặt đô thị trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực, tình trạng xây dựng không phép, vượt phép, sai quy hoạch đã từng bước được hạn chế.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, năm 2017, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý xây dựng trên toàn địa bàn. Trong đó, một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện đó là việc xử lý các trường hợp siêu mỏng, siêu méo theo hướng hợp thửa, hợp khối, thu hồi, cải tạo chỉnh trang đảm bảo cảnh quan kiến trúc đô thị, đặc biệt là tại các tuyến đường mới mở.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Sở Xây dựng sẽ đề nghị Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, các đoàn thể chính trị - xã hội TP phối hợp tuyên truyền, vận động, quán triệt đến các tổ chức cơ sở, đến đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân tiếp tục tham gia thực hiện các hoạt động triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Cùng với đó, Sở Xây dựng đề nghị các Sở QH - KT, GTVT, VH - TT, TN&MT và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm của “Năm trật tự và văn minh đô thị” là đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường để TP sáng, xanh, sạch, đẹp; Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đường thông, hè thoáng và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngày càng hiệu quả với tinh thần tự giác cao nhất.


Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Giáo viên là khâu then chốt nâng chất lượng giáo dục

Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng GD&ĐT. Thời gian qua, những thành tựu mà giáo dục Thủ đô đạt được về quy mô, chất lượng và hiệu quả trong công tác “trồng người” đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của TP. 

Với kỳ vọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, năm 2017, ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, Hà Nội chọn khâu đột phá bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo - yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, tiếp tục được coi là nhiệm vụ then chốt của ngành. Giáo dục Thủ đô đã có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên với lộ trình cụ thể đến năm 2020; phấn đấu có nhiều nhà giáo mẫu mực với đủ 3 tiêu chí: Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% giáo viên tiểu học, THCS và 80% giáo viên mầm non có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; 30% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ trở lên.


Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Tạo đột phá cho nông nghiệp công nghệ cao 

Phát huy những kết quả tích cực đạt được trong năm 2016, bước sang năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng của ngành từ 3,5 – 4% và có thêm ít nhất 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt mục tiêu trên, ngành NN&PTNT tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành. Trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, sẽ tái cơ cấu theo hướng mở rộng các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa và đảm bảo ATTP, ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả. Đối với chăn nuôi, tiếp tục chuyển dịch chăn nuôi ra xa khu dân cư, chăn nuôi an toàn theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong năm 2017, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xây dựng các một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, giao mỗi huyện, thị xã phấn đấu xây dựng ít nhất một mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt hoặc chăn nuôi tùy theo điều kiện thực tế của địa phương. Hiện nay, nhiều DN đã ngỏ ý đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP nhưng còn gặp khó khăn, vướng mắc về quỹ đất. Do đó, trong năm 2017, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các huyện, thị xã để bố trí quỹ đất sạch, tạo đột phá thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời xây dựng mối liên kết bền chặt giữa DN với người nông dân, hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm... Đặc biệt chú trọng công tác nâng cao chất lượng giống, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng vượt trội bổ sung dần vào cơ cấu giống của TP.


Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Phấn đấu 65% người làm du lịch được bồi dưỡng kiến thức

Tiếp nối những thành công của năm 2016, năm nay, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động liên kết với các cấp, ngành, địa phương, hiệp hội, DN, điểm đến… nhằm ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người làm du lịch và phát triển sản phẩm chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nội.

Điều quan trọng nhất để thu hút du khách là phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Chính vì vậy, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, tiếp tục xây dựng các tour mới, có chất lượng cao; nâng cấp điểm đến tại một số di sản văn hóa trên địa bàn; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây...

Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch trên mạng tin tức Truyền hình cáp CNN (Mỹ); tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như: ITB Berline, Hội chợ du lịch Bắc Kinh (Trung Quốc); JATA tại Nhật; Top RESA tại Pháp; IMEX America (Mỹ); WTM London (Anh);… và tổ chức hoặc tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước nhằm thu hút du khách đến với Hà Nội.

Để làm được điều đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng nhân lực hoạt động trong ngành công nghiệp không khói. Năm 2017 này, phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức cho 65% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch. Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì hoặc phối hợp với Tổng cục Du lịch, các địa phương khác, các Hiệp hội Du lịch, các DN, trường đào tạo du lịch mở lớp bồi dưỡng đào tạo cho cán bộ du lịch, người dân làng nghề; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các lái xe và nhân viên vận chuyển khách du lịch; thực hiện chương trình “Mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch Hà Nội”… Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm đạt mục tiêu của năm 2017 là đón 23,61 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2016. Trong đó, có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, với 3,07 lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 6% so với năm 2016; 19,31 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,4% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch đạt 66,6 ngàn tỷ đồng, tăng 8 % so với năm 2016.


Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào: Triển khai thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính”

Để thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2017 theo Thông báo số 484-TB/TU ngày 5/12/2016 của Thành uỷ Hà Nội, ngày 13/1/2017, UBND quận Đống Đa đã tổ chức Hội nghị triển khai “Năm kỷ cương hành chính” trên toàn địa bàn quận với 8 nội dung trọng tâm. Trong đó, UBND quận Đống Đa chọn 2 nội dung trọng điểm đó là: Thứ nhất, chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy chế làm việc, đảm bảo sự đồng bộ, thông suốt. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc; thực hiện văn hóa công sở. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại. Bên cạn đó, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né trách, không rõ trách nhiệm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và DN. Đặc biệt, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bộ phận tiếp công dân.

Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ và văn hóa công sở để từ đó có các hình thức khen thưởng, động viên, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích. Đồng thời, xử lý, kỷ luật nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm. Để làm tốt điều này, UBND quận Đống Đa đã thành lập "Đoàn kiểm tra công vụ đặc biệt" do đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận làm Trưởng đoàn. Đoàn đã kiểm tra thường xuyên, đột xuất các đơn vị (bộ phận 1 cửa, tiếp dân) và tập trung vào những nội dung như: Việc thực hiện quy tắc ứng xử, văn hóa công sở; chấp hành kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc tuân thủ quy trình giải quyết công việc…


Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà: Thực hiện hiệu quả “5 rõ” và “3 theo”

Năm 2017, nhằm thực hiện có hiệu quả Năm kỷ cương hành chính, trên cơ sở “5 rõ” là “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả” và “một việc – một đầu mối xuyên suốt”. được lãnh đạo TP yêu cầu quận Long Biên cũng xây dựng quy trình xử lý công việc trên cơ sở 3 theo: Điều hành theo quy chế; Làm việc theo kế hoạch; Giải quyết công việc theo quy trình. Chính vì thế trong năm 2017 này, cùng với việc tập trung rà soát lại các quy chế làm việc theo đúng yêu cầu thực tế (bảo đảm không có chuyện quy định đã có nhưng không thực hiện) thì nhóm công việc được quận tập trung là xây dựng kế hoạch. Đổi mới trong làm kế hoạch năm nay của quận là cụ thể các công việc bằng bảng biểu trong đó quy định rõ từng nội dung công việc, ai thực hiện, thời gian bao lâu, ai chịu trách nhiệm... Kế hoạch cũng được xây dựng trên cơ sở từng tháng nhằm giúp chủ động công tác chỉ đạo, điều hành đạt kết quả cao.

Cùng với đó, quận cũng sẽ xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ và quy trình tổ chức phối hợp giải quyết từng nhóm công việc. Khi triển khai sẽ giúp mỗi người hiểu rõ từng bước, từng bộ phận thực hiện và cách làm. Những quy trình này đều được thực hiện khai công khai, đi cùng với đó là công tác kiểm tra công vụ được tăng cường giúp người dân có thể theo dõi, đánh giá hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc. Điều đó cũng giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình.

Nhóm nhiệm vụ trên là một trong những nhóm nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị của quận trong năm 2017, thiết thực thực hiện Chương trình 02 của quận và Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội.


Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ: Thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân

Mặc dù trong thời gian qua, UBND TP và các sở, ngành đã rất quan tâm, tạo điều kiện để Phú Xuyên từng bước phát triển, đời sống của người dân ngày một ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tuy nhiên, do địa phương là vùng chiêm trũng, chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là chính nên vẫn còn gặp một số khó khăn. Do vậy, để tất cả các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, đời sống văn hóa tinh thần của người dân… mà Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đặt ra ngay từ cuối năm 2016 nhằm tạo tiền đề cho sự thành công của năm 2017, UBND huyện rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của UBND TP cùng các sở, ngành, doanh nghiệp và người dân để thực hiện cho bằng được những nội dung cụ thể, như xây dựng Trạm biến áp 110kV trên địa bàn; mở rộng Khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội từ 67ha thành gần 280ha, mong muốn doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào xây dựng nhà xưởng sản xuất hoạt động tại đây; hoàn thành và đưa vào sử dụng Đường gom phía Tây đường sắt từ Cầu Giẽ - Vân Từ - thị trấn Phú Xuyên; hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng 3 điểm công nghiệp làng nghề; hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những xã còn lại.

Thực hiện được những nội dung công việc nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, vận chuyển hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, tăng thêm thu nhập cho người lao động, đời sống, văn hóa tinh thần của người dân ngày một được nâng lên tạo sự chuyển biến rõ rệt.