Siết chặt kỷ luật, kỷ cương làm luật

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018, với một trong những mục tiêu chính là bảo đảm các dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 - 2019 đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Hạn chế lâu khắc phục
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong những năm qua, nhìn chung chất lượng đa số các dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm. Các dự án luật Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra những hạn chế như: Một số dự luật, tài liệu và hồ sơ chưa bảo đảm yêu cầu, dẫn đến việc phải rút ra khỏi chương trình. Về tiến độ vẫn còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình...
 Ảnh minh họa.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những hạn chế trên là do chưa thật sự tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật, hồ sơ chuẩn bị cơ bản là tốt, nhưng vẫn có một số không đầy đủ, thiếu chiều sâu. Đặc biệt, thời gian chuyển cho cơ quan thẩm tra không đúng quy định, nên nhiều khi cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải “chạy song song” với nhau, tình trạng này nhiều năm không khắc phục được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng lưu ý một số vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. “10 năm nay có những hạn chế nghe vẫn quen quen, nếu không kiên quyết, thì 10 năm tới vẫn thế. Như việc xin lùi, xin rút dự án luật ra khỏi chương trình xây dựng luật, rồi việc điều chỉnh, bổ sung các vấn đề trong quá trình sửa đổi luật liên tục thay đổi, nhiều dự án luật không bảo đảm chất lượng, tiến độ chậm, chuyển sang cơ quan thẩm định thì gấp gáp, hồ sơ kèm theo không đầy đủ, nhiều hồ sơ trình kèm lại đóng dấu mật hoặc không đóng dấu” - bà Nga nêu rõ.

Chưa xác định rõ trách nhiệm các chủ thể

Nhấn mạnh những tồn tại hạn chế trên đã là “căn bệnh kinh niên”, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, do chúng ta chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình xây dựng pháp luật, không thực hiện nghiêm các quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các ý kiến cho rằng, cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ là Bộ Tư pháp cần rà soát chặt chẽ, đề cao vai trò trách nhiệm, còn các Ủy ban của Quốc hội không được “dễ dãi”, mà phải xem dự luật có khả thi, cụ thể, thống nhất với hệ thống pháp luật không. Phải lọc ngay từ đầu, siết chặt kỷ luật kỷ cương làm luật cũng như làm rõ trách nhiệm trong phân công xây dựng và thẩm tra luật.

Đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Lê Thành Long: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, phải coi việc hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong quá trình thực hiện, chỉ cần một cơ quan chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện chung. Do đó việc đề nghị bổ sung các dự án luật vào chương trình cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các mặt, nhất là khả năng bảo đảm thực hiện. Để khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, cần tăng cường vai trò và đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo; phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định và đầu mối giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật. “Chính phủ cần chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, nâng cao kỷ luật trong xây dựng pháp luật, còn các Ủy ban của Quốc hội cần phát huy vai trò và nâng cao chất lượng thẩm tra” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu.