Siết chặt nợ công từ luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thảo luận lần đầu tiên.

Các ý kiến đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.
Thêm các quy định mới
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bổ sung 3 chương mới quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; về đảm bảo khả năng trả nợ công. Dự Luật cũng quy định phạm vi nợ công theo hướng giữ nguyên quy định của Luật hiện hành. Theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Theo nhận định của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, về cơ bản, nội dung của Dự luật đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, luật hóa nhiều nội dung hiện đang được quy định tại các văn bản dưới luật, các quy định về cơ bản phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia, một số vấn đề cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh.

Nợ công Việt Nam tăng cao phần nhiều do đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông             Ảnh:  Việt Linh

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất: Dự luật cần phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nợ công. Đồng thời, cân nhắc, bổ sung các quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; giám sát sử dụng vốn vay... Về xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công, các quy định còn chưa bảo đảm tính cụ thể; đề nghị quy định rõ chế tài cụ thể để xử lý đối với từng đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng nợ công để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Hạn chế cắt khúc
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là luật hết sức quan trọng, ngang tầm như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công. Và cũng là cơ hội để tập trung giải quyết vấn đề nợ công, vấn đề nợ xấu của nền kinh tế.
Trước những nội dung cụ thể của Dự luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ băn khoăn về chi tiêu an toàn nợ công, chiến lược về chương trình kế hoạch vay trả nợ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Chính phủ nên nghiên cứu làm sao có thể Quốc hội quyết định cả về vấn đề chi tiêu, chiến lược nợ công hoặc có thể tính tích hợp vào kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm thì sẽ không bị vênh. Các ý kiến khác cũng cho rằng, vấn đề quan trọng các quy định cần tập trung vào khâu điều hành thực tế, giải quyết tình trạng căn nguyên làm cho nợ công tăng nhanh, khó kiểm soát, trong đó có vấn đề chi tiêu lớn vượt mức kế hoạch, vượt khả năng trả nợ.
Quan điểm được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là phải thống nhất, hạn chế cắt khúc và cần thiết trong luật phải có một quy trình quy định cụ thể từ lúc ký kết, vay thế nào và đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 07 của T.Ư. Đặc biệt là vấn đề bảo lãnh và cho vay lại thì cần thận trọng và theo xu thế là phải gọn lại để tránh tình trạng như vừa qua rất nhiều khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh không thu hồi được, phải trả nợ và có rất nhiều rủi ro. Cùng với đó, các chỉ tiêu về kiểm soát an toàn nợ công, chiến lược nợ công, chương trình và kế hoạch vay trả nợ cần được rà soát, bổ sung đảm bảo chặt chẽ và làm rõ các thẩm quyền. Tránh những thẩm quyền mang tính trung gian, không rõ trách nhiệm và luôn luôn phải đặt vấn đề tính hiệu quả là chính, không đặt ra yêu cầu về sự phát triển mà cứ vay ào ạt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần