Siết chặt quản lý xe đưa, đón học sinh, công nhân

Lê Văn Giang - Khoa Công nghệ thông tin - Đại học Công nghệ GTVT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa đón học sinh (HS), công nhân, cán bộ đi làm bằng xe ô tô được số đông người dân ủng hộ.

Bởi hình thức này vừa giảm thời gian đưa đón, tăng chất lượng, hiệu quả công việc, lại giảm thiểu tối đa UTGT. Dù vậy, theo các chuyên gia, những góc khuất về tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ quá lâu… cần được chấn chỉnh để phát huy hiệu quả tối đa tính ưu điểm của loại xe này.
Lợi thì có lợi nhưng…

Trong tình hình thực tế hiện nay, cảnh UTGT cục bộ vào giờ tan tầm là nỗi ám ảnh của nhiều người. Do đó, việc tổ chức xe đưa đón HS, cán bộ, công nhân… phần nào đã giải được “bài toán” UTGT.

Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt lợi - hại. Mặt trái của việc dừng đỗ quá thời gian quy định, đi không đúng làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu... của tài xế xe đưa đón HS, sinh viên... đang đi ngược lại mục tiêu tốt đẹp ban đầu.

Nhiều người dân phản ánh, xe đưa đón nhân viên, người lao động của Công ty Samsung với loại xe 45 chỗ ngồi thường tập trung quá đông tại các tuyến phố Duy Tân, Phạm Hùng, Kim Mã... để đón người. Có thời điểm cả trăm công nhân đứng, ngồi la liệt, ngổn ngang từ vỉa hè và tràn cả xuống lòng đường tạo nên một khung cảnh hỗn loạn vì đợi xe chuyên chở của Công ty tới đón.

Xe buýt chờ đón học sinh trường Dân lập Lương Thế Vinh. Ảnh: Công Hùng

Trong các “giờ vàng” buổi sáng, cứ trung bình 5 phút lại có một xe đưa đón công nhân của Công ty Samsung cập bến và dừng tại nơi có biển cấm dừng đỗ khoảng từ 5 - 7 phút để đón công nhân. Từng đoàn xe nối dài cả trăm mét để “gom” công nhân. Thậm chí, nhiều lái xe còn dừng xe đón công nhân ngay giữa đường mà không hề có biện pháp cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Đặc biệt, mỗi khi đi dọc tuyến Lạc Trung – Thanh Nhàn – Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng) vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông bức xúc khi hàng loạt xe đưa đón cán bộ, công nhân viên của Công ty Samsung chạy lấn làn xe máy. Nhiều trường hợp, ở các khúc cua khuất tầm nhìn, những chiếc xe đưa đón ấy cũng cua khá hẹp và gấp, lúc đường vắng lại lao đi khá nhanh.

Tình trạng tương tự diễn ra vào giờ tan tầm khi không ít lái xe đưa đón các em HS liên tục rẽ ngang, tạt đầu khiến nhiều người đi đường "khiếp vía". Có HS chia sẻ : “Lắm hôm tài xế sợ không kịp giờ học nên điều khiển xe ô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chúng em rất lo”.

Nên cắt hợp đồng khi lái xe vi phạm

Việc tồn tại của những chiếc xe đưa, đón HS, cán bộ, công nhân viên là tất yếu. Tuy nhiên, trước thực trạng trên, nhiều người cho rằng phải xử phạt thật nặng những trường hợp lái xe đưa đón HS, công nhân... vi phạm. Hiện tại, Hà Nội đã có biển báo cho xe đưa đón công nhân Công ty Samsung, mỗi lượt không quá 3 phút, xe nào không tuân thủ quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

Song hành với đó cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, phổ biến sâu rộng về việc chấp hành các quy định của pháp luật giao thông; cần có sự cam kết của các chủ xe tổ chức phương thức vận tải này. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT cần tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các chủ xe ký cam kết đi đúng tuyến, đúng giờ đảm bảo tốc độ, đảm bảo số lượng người để phát huy tốt nhất các mặt ưu điểm của phương thức vận tải này. Đồng thời, kiên quyết cắt hợp đồng với các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật hay chạy ẩu để hạn chế những nguy cơ dẫn đến mất an toàn và TNGT.

Đáng lưu tâm, ý thức của những người tham gia chờ xe đưa đón cũng cần được nâng cao. Tuân thủ nguyên tắc xếp hàng ngay ngắn, tránh tràn xuống đường, nhanh chóng di chuyển lên xe để tránh việc dừng đỗ quá lâu, gây tắc đường, ùn ứ.

Bên cạnh đó, ở cương vị quản lý, cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ, để dịch vụ vận tải này phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân và góp phần làm giảm thiểu nguy cơ TNGT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần