Siết chặt tình trạng người nước ngoài “núp bóng” mua nhà

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất diễn ra với chiều hướng phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Khó quản lý
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc – Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), đến thời điểm hiện tại chưa có một số liệu nào thống kê chính xác về việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nóng được các cơ quan chức năng và dư luận quan tâm, vì thực tế số lượng người nước ngoài sở hữu không chính thức tài sản BĐS ở Việt Nam hiện nay tương đối lớn.
 Siết chặt quy định người nước ngoài "núp bóng" sở hữu BĐS tại Việt Nam.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 11/2018, trong kiến nghị gửi Quốc hội, cử tri TP Đà Nẵng phản ảnh, theo dư luận hiện nay có nhiều người nước ngoài mua đất dọc ven biển nước ta thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ.
Các chuyên gia đều cho rằng, Nhà nước cần xác định hành vi này là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là hành vi tội phạm, Để góp phần ngăn chặn, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài một cách hiệu quả hơn, cũng như góp phần tăng cường công tác quản lý.
“Tình trạng đứng tên hộ để mua, thuê BĐS dễ dấn đến nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng; đồng thời gây khó khan cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác lập những quy chế về tài chính liên quan đến sản phẩm đó” – ông Nguyễn Minh Ngọc nói.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc, nên bổ sung vấn đề người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trên lãnh thổ Việt Nam vào Bộ luật Hình sự tội danh "đứng tên cho người nước ngoài trong giao dịch về BĐS", với tình tiết tăng nặng là BĐS thuộc khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Siết chặt cơ chế
Mới đây, Văn phòng Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82 của Quốc hội, yêu cầu Chính phủ rà soát thực trạng, ban hành chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.
Đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Nghiên cứu làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)...
Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm rõ các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.
Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường...
Theo Luật sư Nguyễn Minh Khuê – Hội Luật gia Việt Nam, việc Quốc hội và Chính phủ siết chặt quy định về việc người nước ngoài “núp bóng” để sở hữu BĐS tại Việt Nam là việc làm cần thiết, làm giảm đi những tiêu cực, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đô thị.
“Luật nhà ở năm 2014 có quy định rõ việc cá nhân, tổ chức người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể được mua, thuê thì phải chịu những quy định về thuế và đặc biệt người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua nhà ở là căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chứ không được mua ngoài khu vực này” – Luật sư Khuê nói.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần