Siết sử dụng tài sản công

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiết kiệm chi tiêu công là câu chuyện được nói đến từ nhiều năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao…, việc sử dụng hiệu quả tài sản công, chi tiêu công lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Song thực tế, tình trạng lãng phí tài sản công, “cha chung không ai khóc” vẫn diễn ra tràn lan.
 Ảnh minh họa
Nhiều tỉnh nghèo vẫn quyết xây tượng đài nghìn tỷ, hết tiền lại chạy xin thêm ngân sách. Đất đai bỏ hoang, nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước thành nhà hàng, quán ăn, tiệm quần áo… và tiền cho thuê các dịch vụ này chắc chắn không chảy vào ngân sách. Ngân sách thất thu thấy rõ trong việc quản lý tài sản công.
Để hạn chế tình trạng này, trong Dự thảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Bộ Tài chính trình Chính phủ, bên cạnh lĩnh vực chi thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản, việc thực hành tiết kiệm sẽ tập trung vào quản lý sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công… Nhiều biện pháp quyết liệt đã được Dự thảo này đưa ra như thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Thực hiện nghiêm việc xử lý các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch…. Bên cạnh đó, trong năm 2017, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định và trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Về xe công, sẽ tuyệt đối hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền. Việc mua sắm mới xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định...
Có thể thấy, tài sản công là tài sản toàn dân, là mồ hôi, công sức tiền thuế của Nhân dân đóng góp. Vì vậy, các quy định về chống lãng phí được đưa ra trong Dự thảo này là cần thiết để “siết” tình trạng sử dụng bừa bãi tài sản công, thất thu ngân sách. Đơn cử như việc khoán xe công, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, khoán xe công tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm. Xe công chỉ là một tài sản rất nhỏ trong khối các tài sản công như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… Tuy nhiên, con số 3.400 tỷ đồng tiết kiệm được mỗi năm là hoàn toàn không nhỏ. Nếu phê duyệt minh bạch, giám sát chặt chẽ các hoạt động chi tiêu công như chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản…, thì con số này chắc chắn sẽ còn lớn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần. Ngân sách không những tăng thu mà tiền thuế của dân cũng sẽ được sử dụng một cách ý nghĩa hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần