Siết tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp chọn hướng lên sàn

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tín dụng bất động sản (BĐS) tiếp tục bị siết trong năm 2018, nhiều DN BĐS đã và đang có kế hoạch lên sàn chứng khoán tìm kiếm cơ hội huy động vốn.

Theo các chuyên gia, việc dòng vốn ngân hàng bị thắt chặt sẽ khiến thị trường được thanh lọc, chỉ có những cổ phiếu thực sự tốt mới thu hút được dòng tiền, cơ hội lướt sóng từ nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ rất thấp.
Ồ ạt lên sàn

Ngày 5/4, 12 triệu cổ phiếu NRC của Công ty CP Bất động sản NetLand đã có một mở đầu không thể đẹp hơn trong ngày đầu chào sàn. Chỉ ít phút sau khi niêm yết trên HNX, cổ phiếu DN này đã nhanh chóng xanh sàn với khối lượng giao dịch lớn. Kết thúc phiên giao dịch, NRC lên mức giá trần 27.300 đồng/CP, tăng 30% so với phiên trước với khối lượng giao dịch 1.800 CP, tương đương gần 50 tỷ đồng giá trị giao dịch.
 Cổ phiếu NRC tăng trần ngày đầu chào sàn HNX. Ảnh: Nha Trang
Với một số thông tin tích cực như kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cao (dự kiến từ 15% - 20% năm 2018), DN tiếp tục tăng trưởng mạnh (từ mức 0,2 tỷ đồng năm 2015 lên 90,1 tỷ đồng trong năm 2017 nhờ hoạt động mua bán sáp nhập DN (M&A) và góp vốn đầu tư vào các dự án BĐS tiềm năng)…, NRC được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư. Không riêng NRC, nhiều DN BĐS “thường thường bậc trung” như Văn Phú Invest, Hải Phát… cũng đã và đang có kế hoạch tìm kiếm cơ hội huy động vốn trên sàn chứng khoán.
Từ đầu năm 2018 đến nay, đà tăng của nhóm cổ phiếu BĐS khá tốt. Cụ thể, trong quý 1/2018, giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn VinGroup tăng gần 64%, NVL tăng 48,64%, VPI tăng 13,3%... Điều này phản ánh kết quả kinh doanh tốt của các DN BĐS cũng như triển vọng thị trường.

"Ngày càng có nhiều sự hiện diện của các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng trong cơ cấu sở hữu của những công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến các DN BĐS niêm yết có uy tín để “chọn mặt gửi vàng." - TS.LS  Bùi Quang Tín

Theo báo cáo tài chính được nhiều DN BĐS công bố, lợi nhuận và doanh thu của khối ngành này khá khả quan. Trong đó, tổng doanh thu năm 2017 của 10 DN gồm VIC, NVL, KBC, DXG, NLG, QCG, PDR, KDH, VRE, VPI đạt khoảng 120.297 tỷ đồng, tổng lợi nhuận là 11.996 tỷ đồng, tăng lần lượt 40% và 39% so với năm 2016. VIC dẫn đầu với doanh thu hợp nhất năm 2017 gần 90.355 tỷ đồng, tăng 57% so năm trước đó và chiếm 58% tổng doanh thu các DN địa ốc niêm yết. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 của VIC đạt 4.247 tỷ đồng, tăng 74% so với năm trước, vượt kế hoạch 81%.

Hết cơ hội lướt sóng đầu cơ?

Theo TS.LS Bùi Quang Tín, nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định, tiết kiệm của người dân đang ở mức cao. Đây là cơ hội cho thị trường BĐS đón một lượng lớn tiền đổ vào từ người mua nhà và người đầu tư. Bên cạnh đó, cổ phiếu BĐS được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm, đặc biệt là cổ phiếu của những DN có uy tín, có chất lượng sản phẩm tốt.

Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Thế Minh cho hay, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết tín dụng BĐS sẽ khiến thị trường này khó có bong bóng. Vì thế, cơ hội lướt sóng với cổ phiếu đầu cơ sẽ khó khăn. Và cổ phiếu của những DN tốt, có tính dẫn dắt thị trường là một lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư.

Năm 2018, triển vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục tốt, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đặt mục tiêu kiểm soát dưới mức 4%, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho GDP… Đây được coi là những tín hiệu tốt hỗ trợ TTCK tiếp tục đi lên.

Về triển vọng ngành, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Tân Việt, ngành BĐS phục hồi và đang tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm. BĐS cũng là ngành có tỷ lệ gia tăng DN cao nhất, tăng 62% với hơn 5.000 DN đăng ký thành lập mới trong năm 2017; lượng tồn kho BĐS giảm, hiện còn khoảng hơn 25.700 tỷ đồng, giảm gần 17% so với 2016 (số liệu Cục Quản lý đăng ký kinh doanh). Ngoài ra, sự thay đổi về chính sách giúp thị trường BĐS Việt Nam ngày càng hấp dẫn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần