Siêu lừa Huyền Như tiếp tục ra tòa

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/8, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP NaviBank (nay là Ngân hàng TMCP Quốc dân – NCB).

Các bị cáo tại phiên tòa
Tại phiên tòa, HĐXX tiếp tục yêu cầu đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cung cấp tài liệu chứng từ để làm rõ về sự chênh lệch giữa số tiền 57 tỷ đồng với 59,5 tỷ đồng. Theo bản án hình sự sơ thẩm, số tiền 57 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như rút ra bằng 8 thẻ tiết kiệm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VietinBank khẳng định là 59,5 tỷ đồng và số tiền này là “tiếp thu” nợ. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng VietinBank thấy các khoản nợ này không an toàn nên tự động tất toán.
Mặc dù HĐXX đã yêu cầu VietinBank phải cung cấp các tài liệu để chứng minh chứng từ 59,5 tỷ đồng từ chiều 13/8 nhưng đại diện VietinBank cho biết không có tài liệu nên HĐXX yêu cầu đại diện ngân hàng này làm giải trình.

Tại phiên tòa, bị án Huỳnh Thị Huyền Như tham gia với 2 vai trò là “người làm chứng” và “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Về nội dung này, luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhận định: “Huyền Như là người làm chứng tại tòa và cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với vai trò “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” thì Như có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, với vai trò là “người làm chứng” thì Như không có quyền kháng cáo. Dù vậy, suốt phiên tòa Huyền Như đã từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi của các luật sư bào chữa cho các bị cáo NaviBank đưa ra.

Bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó Tổng Giám đốc NaviBank) dẫn chứng điểm a khoản 1 điều 28 của Thông tư 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 của Ngân hàng Nhà nước “quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, để tiếp tục tái khẳng định các bị cáo không sai khi gửi tiền sang VietinBank.