Sinh con một bề gái vẫn đong đầy hạnh phúc

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu bén rễ vào đời sống của nhiều thế hệ. Trong xã hội hiện đại nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ trong một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất nặng nề.

Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng đã vượt qua định kiến đó để dừng lại ở 2 con. Họ không chỉ thực hiện đúng chính sách dân số mà còn thấy được nhiều lợi ích từ việc sinh con gái.
Sinh con một bề gái là đặc ân.
Sinh 2 con là gái, nhiều gia đình coi đây là đặc ân, là hạnh phúc ban tặng cho gia đình. Bởi với họ, tình cảm, máu mủ là quan trọng chứ không phải sinh con ra vì trách nhiệm với ai đó. Điều này lại càng đúng hơn với hoàn cảnh của gia đình chị Lê Thị Thảo và anh Đặng Văn Truyền (cùng sinh năm 1974) ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Theo lời chị Thảo, vợ chồng chị có được 2 cô con gái không hề dễ dàng. Và phải qua 8 lần sinh nở, chị Thảo mới “đậu” được 2 mụn con.
Sinh con một bề gái, gia đình chị Lê Thị Thảo và anh Đặng Văn Truyền (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) 

vẫn hạnh phúc đong đầy.

Mỗi lần mang bầu, vợ chồng chị lại mang những nỗi lo về tài chính do hoàn cảnh gia đình khó khăn và quanh quẩn với những câu hỏi, lần này, mẹ có giữ được con không khi sức khỏe không cho phép? Nhưng cuối cùng, vợ chồng chị cũng sở hữu được “tài sản vô giá”, không gì có thể đánh đổi được là 2 cô con gái vô cùng đáng yêu và dễ thương.
Đồng hành cùng vợ trong suốt quá trình vợ mang thai cũng như lúc sinh, như thấm thía và hiểu nỗi vất vả của vợ nên anh Truyền càng dành tình cảm yêu thương các con nhiều hơn. Dù bên ngoài còn có những câu nói dèm pha, có con trai nối dõi tông đường vẫn hơn nhưng anh chị gạt bỏ ngoài tai.
“Ngày xưa các cụ cứ bảo trời sinh voi sinh cỏ, nhưng bây giờ thì lấy đâu ra cỏ. Phải làm sao đầy đủ kinh tế lo được cho các con ăn học đầy đủ, con học tập tốt bố mẹ mới yên tâm. Gia đình có con trai cũng chưa chắc bằng gia đình chỉ có con gái. Để các con lớn khôn thì đó là vinh dự của người làm cha làm mẹ như chúng tôi” - anh Truyền chia sẻ.
Đồng lòng, anh chị quyết tâm dồn sức nuôi các con thành người. Đáp lại công lao của bố mẹ, 2 cô con gái là Đặng Hà Giang (sinh năm 2005) và Đặng Lê Bảo Châm (sinh năm 2008) đạt những kết quả vô cùng xuất sắc trong học tập. Không những vậy, trong suốt quá trình học tập, 2 bạn còn mang về nhiều giải cao trong các cuộc thi của trường và huyện, năng nổ với các hoạt động phong trào.
Mãn nguyện với cuộc sống
Dừng lại ở việc sinh 2 con một bề gái, tuy kinh tế gia đình không mấy dư giả nhưng cuộc sống của chị Đỗ Thị Hải Liên (sinh năm 1980) và anh Lê Quang Giao (sinh năm 1978) trú tại xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín khiến nhiều người ngưỡng mộ khi có 2 cô con gái chăm ngoan, học giỏi, gia đình hạnh phúc viên mãn.
Khi nhắc về gia đình mình, chị Liên ngời lên sự hạnh phúc. Bởi, từ ngày chị sinh hai con gái, chưa từng nghe chồng nặng lời, chưa hề có chuyện phân biệt con trai hay con gái. Dù ở quê nhưng suy nghĩ của vợ chồng chị rất hiện đại.
Chị Liên bảo, con cái là duyên phận của mỗi người. Dù sinh hai con gái, vợ chồng chị cũng vui vẻ đón nhận. Anh chị luôn thấy mãn nguyện, bằng lòng với cuộc sống của gia đình mình hiện nay. Nhờ đó mà vợ chồng anh chị đã có điều kiện phát triển kinh tế, được dạy dỗ chu đáo của bố mẹ nên các con của anh chị là cháu Lê Tuyết Minh và Lê Tuyết Anh đều yêu thương, nhường nhịn, bảo ban nhau học tập, chăm ngoan, học giỏi, đặc biệt rất hay tâm sự và đỡ đần việc nhà với bố mẹ.
“Với tôi, việc sinh con trai hay con gái bây giờ như nhau. Quan trọng là việc nuôi con cái khỏe mạnh, chăm ngoan, thành người tử tế, thành đạt, gia đình đầm ấm, hạnh phúc, yên vui. Các con gái ngoan, sống rất tình cảm khiến tôi có cảm giác rất hạnh phúc” - chị Liên tâm sự.
Từ câu chuyện của những gia đình hạnh phúc khi sinh con một bề gái, có thể thấy rằng, không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà chính là việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cái trở thành người có ích cho xã hội. Bởi gia đình chính là chỗ dựa tinh thần giúp mọi người trưởng thành. Gia đình hạnh phúc, lành mạnh mới giúp xã hội phát triển vững mạnh.

"Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang có xu hướng giảm dần, từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 113 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2018 và tiếp tục giảm trong 9 tháng đầu năm 2019 còn 111 trẻ trai/100 trẻ gái. Dù vậy, tỷ lệ này vẫn trên mức báo động.

Riêng tại huyện Thường Tín, tính đến hết tháng 9/2019, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của toàn huyện là 116 trẻ trai/100 trẻ gái. Nguyên nhân do tư tưởng trọng nam của một bộ phận người dân; chưa đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách dân số; vẫn còn hiện tượng cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới nhiều hình thức diễn ra trên địa bàn huyện." - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ TP - PGS.TS Hoàng Đức Hạnh