Sinh viên “mắc kẹt” tại Đà Nẵng sống ra sao?

Tấn Phước
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải tìm cách xoay sở trong lúc gia đình không thể chu cấp kinh tế là hoàn cảnh mà nhiều bạn sinh viên bị “mắc kẹt” ở Đà Nẵng phải đối diện trong lúc TP đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội.

Nhiều bất tiện
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong khi các bạn sinh viên đang phải hoàn thành kỳ thi kết thúc học phần của mình. Tiếp đó, biện pháp giãn cách xã hội áp dụng cho toàn TP Đà Nẵng theo chỉ thị của Chính phủ được thực hiện đúng ngày thi của các trường, khiến nhiều sinh viên bị “mắc kẹt” lại Đà Nẵng.
Sinh viên Trần Phước Lâm (SN 1999, quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho hay: “Ban đầu, em rất hoang mang bởi tình hình dịchdiễn biến phức tạp, không biết khi nào được về quê. Chi phí sinh hoạt của em lúc này không còn nhiều.
Trong khi đó, gia đình không thể chu cấp chi phí sinh hoạt do nhà đang nằm trong khu vực cách ly. Theo tính toán của em, việc cách ly nếu chỉ diễn ra trong 14 ngày thì em có thể ăn mì tôm để cầm cự chi tiêu, còn giờ thì…”.
Theo bạn Lâm, khi mới bắt đầu bùng phát dịch, các bạn sinh viên không được ra ngoài và chỉ ở trong khuôn viên ký túc xá của trường. Do đó, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào căng tin của trường hoặc đặt hàng online. Việc ăn, uống tại đây cũng không thuận lợi, nhiều ngày liên tiếp Lâm phải ăn mì tôm. Đến khi ở nhờ trọ, chế độ ăn uống của cậu sinh viên này mới được cải thiện.
Nhớ lại lúc chuyển sang ở nhờ phòng trọ của một người bạn, Lâm cho biết: “Sau khi nhận được thông báo ký túc xá của trường được tận dụng làm khu cách ly, em không biết ở đâu nên rất lo. Em đã liên hệ các bạn sống trọ để xin ở nhờ và may mắn được các bạn đồng ý”.
Một bạn sinh viên đang nấu mì tôm để dùng bữa .
Do gia đình nằm trong vùng cách ly, không thể gửi tiền ra, Lâm phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Việc chi mua thực phẩm hằng ngày cũng được cân nhắc để có thể tiết kiệm chi phí. Để hạn chế việc ra ngoài, Lâm thường mua đồ dự trữ cho 3 đến 4 ngày. Những sản phẩm nhanh bị hư được Lâm chú trọng sử dụng trước. Do đó, điều kiện ăn uống cũng được cải thiện và tiết kiệm được một phần chi phí.
Sau khi chuyển về khu ký túc xá của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, bạn Trần Thị Lan Anh (sinh viên năm 4 của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cũng gặp không ít bất tiện, nhất là những vật dụng cho sinh hoạt cá nhân không được đảm bảo, trong khi đó các bạn không thể đi lại.
“Đồ dùng sinh hoạt cá nhân của em thì nhờ các bạn ở trọ mua tới, còn những bạn khác không có ai để nhờ thì cũng đành chịu”, Lan Anh chia sẻ.
Thiếu vật dụng sinh hoạt cá nhân đã đành, các bữa ăn cũng không đầy đủ dinh dưỡng. Các bạn hằng ngày phải ăn mì tôm hoặc dựa vào những hộp cơm thiện nguyện. “Ngày nào cũng phải ăn mì tôm, chúng em ngán lắm, nhưng phải chịu vì đây là tình hình chung của toàn TP. Trước khi dịch bùng phát, chúng em rất ít khi ăn mì tôm. Nhưng từ khi có ca nhiễm mới, ngày nào tụi em cũng phải ăn mỳ. Để cải thiện bữa ăn, chúng em phải luộc thêm trứng, ăn kèm cho đỡ ngán. Nhiều lúc chúng em thấy tủi thân và nhớ nhà lắm. Chúng em chỉ còn biết động viên nhau để cố gắng vượt qua”, Lan Anh tâm sự.
Sự chung tay của xã hội
Theo bà Đinh Thị Mỹ Hạnh - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Công tác Học sinh, sinh viên Đại học Đà Nẵng, theo thống kê sơ bộ, Đại học Đà Nẵng có khoảng 1.100 sinh viên đang còn ở lại các ký túc xá tại các đơn vị của Đại học Đà Nẵng và khoảng hơn 600 SV đang ở trong các ký túc xá tập trung do TP quản lý.
Từ ngày 31/7, thực hiện lời kêu gọi của TP Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên đã triển khai công tác dọn dẹp, chuyển sinh viên cùng đồ đạc hiện có tại các ký túc xá của các đơn vị thành viên (với tổng số sinh viên còn đang ở nội trú vào khoảng 600 bạn) sang Ký túc xá của Trường Đại học Bách khoa hoặc khối nhà độc lập để bàn giao các khu ký túc xá cho UBND các quận Liên Chiểu, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn dùng làm khu cách ly tập trung.
Ngoài lượng sinh viên đang ở các ký túc xá nói trên, Đại học Đà Nẵng còn có số lượng lớn sinh viên đang ở các khu nhà trọ trên địa bàn. Để kịp thời có các giải pháp đảm bảo an toàn và hỗ trợ sinh viên trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, Đại học Đà Nẵng và các đơn vị thành viên trực thuộc Đại học Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, đã thông qua các kênh của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Công đoàn, chính quyền các cấp để kêu gọi các nguồn hỗ trợ bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm… cho sinh viên.
Các bạn sinh viên ngoại trú đến nhận suất quà từ Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đà Nẵng).
Đại học Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tập thể, cá nhân là doanh nghiệp, cán bộ viên chức, cựu sinh viên, các nhà hảo tâm. Các nguồn hỗ trợ này được phân phối đến tay các bạn sinh viên thông qua việc thực hiện “chợ 0 đồng sinh viên”. Bên cạnh đó, các khu trọ, các khoa, phòng, tập thể giáo viên cũng chủ động kêu gọi ủng hộ cho sinh viên.
Các ký túc xá bố trí bếp ăn tự nấu cho sinh viên hoặc bố trí đội ngũ nấu và cung cấp bữa ăn chế biến sẵn cho sinh viên với chi phí phù hợp, đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đại học Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng các kênh thông tin online để nắm bắt tình hình sinh viên nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ, trên tinh thần không để sinh viên gặp khó khăn, thiếu thốn trong dịch bệnh.
Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm: “Đại học Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát thông tin và cho những sinh viên ngoại tỉnh còn đang kẹt lại Đà Nẵng đăng ký nhu cầu về lại địa phương. Tổng kết có khoảng 4.000 sinh viên ngoại tỉnh đã đăng ký thông tin. Đơn vị đã chuyển dữ liệu về TP để đề xuất phương án hỗ trợ sinh viên về quê”.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, TP, Đại học Đà Nẵng đã kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo các trường, các đơn vị thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình sinh viên. Đồng thời, đường dây nóng để giải đáp thông tin cho sinh viên trong mùa dịch cũng được thiết lập.