Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sinh viên mới ra trường, yếu tố nào thuyết phục nhà tuyển dụng?

Kinhtedothi – Khi đi xin việc, kỹ năng nào là quan trọng nhất? Làm sao để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên?... là những băn khoăn thường trực của sinh viên mới ra trường. 

Học hỏi từ những điều nhỏ nhất

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, việc trang bị cho sinh viên những kiến thức hay rèn luyện các kỹ năng mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Sinh viên và thế giới việc làm trong kỷ nguyên mới” do Trường Đại học Thủ đô vừa tổ chức, nhiều vấn đề đã được trao đổi với sinh viên.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn, tìm việc làm cho sinh viên mới ra trường.

Chia sẻ về việc “chuẩn bị hành trang cho sinh viên để sẵn sàng bước vào thị trường lao động trong tương lai nên bắt đầu từ đâu?”, thạc sĩ Vũ Anh Tú - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa cho rằng, các em hãy bắt đầu sớm ngay từ hôm nay bởi bắt đầu càng sớm càng có lợi.

“Khi là sinh viên sư phạm, ngay năm nhất tôi đã tham gia phong trào sinh viên tình nguyện của trường. Trải nghiệm đó giúp tôi có thêm tình yêu nghề, yêu trẻ. Năm thứ hai, tôi đi tình nguyện ở làng trẻ em SOS; qua đó giúp tính nhẫn nại, kiên trì được trau dồi hơn. Năm 3, năm 4, tôi được đi kiến tập, thực tập tại Trường THPT Việt Đức và cũng học hỏi được nhiều điều trong thời gian ấy. Với tôi, kỹ năng mỗi người có được, học được có thể từ trải nghiệm nhỏ của chính mình và mọi trải nghiệm đều mang lại giá trị” - thạc sĩ Vũ Anh Tú chia sẻ.

Truyền cho sinh viên kinh nghiệm trước khi đi phỏng vấn, TS Hồ Đình Việt - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Bảo Sơn cho rằng, điều đầu tiên là các em phải hiểu đơn vị, DN – nơi mà các em xin việc. Với nhiều DN, kiến thức không phải là yêu cầu đầu tiên, mà họ đánh giá ứng viên về trang phục, tác phong, kỹ năng giao tiếp lúc ban đầu. Các em lưu ý, khi đi xin việc nên chuẩn bị cho mình vẻ bề ngoài chỉn chu với trang phục phù hợp, lịch sự, thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Khi trao đổi với nhà tuyển dụng, phải có kỹ năng mềm tốt, thể hiện bằng việc biết đối thoại, biết đàm phán. Có như vậy mới cho thấy tư duy phản biện của bản thân. Và dù là DN trong nước hay quốc tế, ngoài kiến thức chuyên ngành thì đều cần ngoại ngữ để hồ sơ của mình được nổi bật.

Đồng tình với quan điểm này, TS Hoàng Thị Mai – Trưởng khoa Toán – Công nghệ thông tin, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh công nghệ hiện nay, tư duy phản biện có vai trò rất quan trọng và là yêu cầu bắt buộc với mỗi sinh viên. Sinh viên cần tiết chế, giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị thông minh, điện thoại di động và tăng cường tiếp cận với thực tế để rèn luyện cho mình kỹ năng, trong đó có tư duy phản biện.

Hãy tự tin và dám đối diện thử thách

Không ít sinh viên có tâm lý e dè, thiếu tự tin khi đi xin việc. Em Nguyễn Thu Trang, sinh viên Khoa Sư phạm lo lắng khi cho rằng mình thiếu kinh nghiệm thực tế; trong khi đó Minh Ngọc, Khoa Ngoại ngữ lại bất an bởi thiếu hụt kỹ năng mềm và sự trải nghiệm.

“Em được biết, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm ngay lần đi phỏng vấn đầu tiên. Chúng em là sinh viên năm cuối, chưa có kinh nghiệm. Nếu trả lời như vậy có mất điểm không?”. Các chuyên gia cho biết, từng nghe nhiều câu hỏi tương tự trong các buổi tư vấn việc làm.

Nhiều sinh viên năm cuối lo lắng việc thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm khi đi xin việc làm.

Trấn an tinh thần sinh viên, thạc sĩ Vũ Anh Tú cho biết, kinh nghiệm của sinh viên chính là những trải nghiệm các em có được ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bất cứ hoạt động nào của sinh viên cũng mang lại cho các em kinh nghiệm quý. Tinh thần học hỏi, học tập suốt đời sẽ mang đến kinh nghiệm cho mỗi người theo những cách thức khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng có nhiều lợi thế khi được đánh giá cao về kiến thức chuyên môn, kỹ năng cũng như ý thức học tập.

Những năm qua, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh hợp tác toàn diện với DN. Ngay khi thành lập chương trình đào tạo, nhà trường đã khảo sát theo tiêu chuẩn, điều kiện của DN, mời DN trực tiếp phát triển chương trình để đào tạo những nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Cùng với đó, hàng năm, nhà trường đều có hoạt động khảo sát, bổ sung, rà soát chương trình để bảo đảm có sự phù hợp với thực tế. Tới đây, nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động kết nối DN, đặc biệt sẽ tăng thời gian thực hành, thực tập tại DN để sinh viên có điều kiện làm quen với DN nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia cho biết, họ đã từng gặp ứng viên vừa ra trường nhưng được đánh giá có kinh nghiệm bằng người đã đi làm 5 năm. Khi được hỏi, em sinh viên này cho hay, em luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày, biến các chương trình học tập, như đi thực tế tại DN, các mối quan hệ bạn bè, xã hội thành cơ hội để phát triển kỹ năng và nâng cao kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi.

“Từ bài học đó, mỗi sinh viên hãy nỗ lực học hỏi, cầu tiến, luôn hoàn thiện bản thân và điều quan trọng là hãy tự tin, tỏa sáng bởi chỉ có sự tự tin mới tạo ra được giá trị cho chính mình” - thạc sĩ Vũ Anh Tú nhắn nhủ.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Tuân cho rằng, trong các kỹ năng của ứng viên mới, quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp. Hiện các trường đại học đều có nhiều hoạt động, nhiều CLB phát triển kỹ năng mềm. Sinh viên có thể tương tác, trao đổi với bạn bè thông qua các ngày hội, các sự kiện do trường, do khoa tổ chức. Đừng chờ đợi phải có khóa học đào tạo kỹ năng mềm mà mỗi người cần có ý thức tự rèn luyện, đó là cách nhanh nhất để phát triển kỹ năng cho bản thân.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội làm cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội làm cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên

Học sinh Trường THCS Phan Đình Giót đạt giải cao tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025

Học sinh Trường THCS Phan Đình Giót đạt giải cao tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2025

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Trường Đại học Văn Lang kỷ luật sinh viên có hành vi vô lễ với cựu chiến binh

TP Hồ Chí Minh: Trường Đại học Văn Lang kỷ luật sinh viên có hành vi vô lễ với cựu chiến binh

09 May, 09:49 AM

Kinhtedothi - Sáng 9/5, Trường Đại học Văn Lang đã có thông báo chính thức liên quan đến vụ việc sinh viên N.N.G (khóa 29, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc) có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với cựu chiến binh trong sự kiện diễu binh Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra vào tối 29/4.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ