Sơ cứu đúng cách khi bị chó cắn

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ trẻ nhỏ bị chó cắn phải cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có trẻ tử vong.

 Nếu không có xà phòng có thể dùng nước muối đậm đặc, dung dịch sát khuẩn như cồn 70%, cồn i-ốt hoặc povidone-iodine để rửa vết thương
Mới đây nhất là trường hợp bé trai 7 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết 1/2 môi trên dính sát liền mũi, phần đứt rời bị dập nát, có nhiều vết răng chó ở trên. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng - Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, với bệnh nhi này, vì tổn thương quá nhiều nên không có khả năng nối vi phẫu trồng lại môi cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của bệnh nhi và phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần.
Cuối tuần trước, một bé trai 4 tuổi ở Hà Nội cũng bị chó cắn khiến toàn bộ vùng da mạng sườn và đùi phải của bé bị cắn nham nhở, lóc từng mảng thịt. Trước đó, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bé trai 10 tuổi ở Hưng Yên đến cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương hở sâu do chó cắn vào gáy và tay. Cánh tay bị nát với các vết sâu đến tận xương. Trong tháng 7 qua, nhiều người vẫn còn ám ảnh về cái chết của một bé gái 8 tháng tuổi (Ba Đình, Hà Nội) tử vong sau khi bị chính con chó ngao hơn 40kg mà nhà nuôi nhiều năm cắn vào mặt dẫn đến sốc mất máu. Mẹ của bé gái này khi lao vào cứu con cũng bị chó cắn nhiều vết vào tay. Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có tuần ghi nhận tới 2 trẻ nhỏ tử vong vì bị chó cắn.

Trước những sự việc trên, bác sĩ Hồ Ngọc Minh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo, tuyệt đối không để trẻ nhỏ chơi đùa một mình với chó, kể cả chó nhà nuôi. Trong trường hợp trẻ không may bị chó cắn cần lập tức rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút, không chà xát vết thương quá mạnh. Nếu không có xà phòng có thể dùng nước muối đậm đặc, dung dịch sát khuẩn như cồn 70%, cồn i-ốt hoặc povidone-iodine.

Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 - 15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút, nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn và chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương. Trong trường hợp nếu vết thương sâu và trẻ bị ra nhiều máu, máu phun thành tia thì dùng dây thun để garô xung quanh vết thương. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.

Nếu chẳng may bị chó cắn đứt rời một phần cơ thể thì cần bảo quản đúng cách, cho phần cơ thể bị đứt rời vào túi nilon sạch và ít nước sạch, quấn chặt và đặt vào thùng nước đá trước khi mang tới bệnh viện. Đặc biệt, bác sĩ Minh nhấn mạnh, người dân bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang chữa mà cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.