Số hóa 150.000 trang sách về Hà Nội

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã số hóa hơn 150.000 trang sách về Hà Nội. Đây là thành công vượt sức mong đợi của tủ sách, thể hiện tầm nhìn xa, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội trong việc nghiên cứu, phát triển Thủ đô.

Các đại biểu tham dự lễ tổng kết dự án ''Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến'' giai đoạn II. Ảnh: Lại Tấn.
Sáng 20/12, NXB Hà Nội tổ chức lễ tổng kết dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II. Tới dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.
Theo Nhà xuất bản Hà Nội, sau 7 năm thực hiện dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, đến nay dự án đã đi vào giai đoạn hoàn thành và kết thúc. Kết quả điều tra sưu tầm tại nước ngoài giai đoạn II đã khai thác được gần 9.000 trang tư liệu, gấp 2 lần kế hoạch.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học dự án chia sẻ: “Sau 14 năm triển khai thực hiện, dự án đã xuất bản 137 bộ với 213 tập sách, trên 154.000 trang in khổ lớn. Đó là chưa nói tới khối tư liệu nước ngoài về Thăng Long - Hà Nội vô cùng quý hiếm, phong phú và độc đáo, gồm trên 12.000 trang tư liệu của các công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, khai thác tại Thư viện Quốc gia Anh và Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại quốc gia, Cộng hòa Pháp”.
 Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội Lê Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lại Tấn.
Khối tư liệu điều tra sưu tầm trong nước được xây dựng thành các tuyển tập tư liệu văn hiến Thăng Long ở các mảng: Địa chí, Văn khắc Hán Nôm, Hương ước, Thần tích, Tộc ước gia quy… Điển hình là 2 bộ tư liệu Địa bạ và Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Cùng với đó, dự án đã số hóa được toàn bộ sách và tư liệu thuộc tủ sách giai đoạn I, tiếp tục số hóa sách và tư liệu giai đoạn II. Số trang sách và tư liệu đưa vào số hóa lên đến hơn 150.000 trang.
“Đây là thành công lớn vượt sức mong đợi. Sản phẩm của hạng mục bước đầu được dịch và biên soạn một số đầu sách có giá trị trong tủ sách và còn nhiều tiềm năng tiếp tục khai thác trong tương lai” - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội Lê Tiến Dũng chia sẻ.
 Các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.
Theo nhận định của các nhà khoa học, nghiên cứu và thực hiện dự án, tủ sách là sản phẩm của quyết tâm, tầm nhìn của lãnh đạo T.Ư và TP; là sự quyết tâm nhạy bén, kiên trì của lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên NXB Hà Nội; là kết tinh tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý hàng đầu trên tất cả các lĩnh vực trên đất Thủ đô. Giá trị của tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” là không thể phục nhận.
Đến nay, NXB Hà Nội đã hoàn thiện kế hoạch phát hành trình các sở, ngành thẩm định, UBND TP Hà Nội phê duyệt. Dự kiến, quý I/2020 sẽ phát hành đến hệ thống các thư viện, các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học trên các nước.
Theo NXB Hà Nội, dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” đã biên soạn và xuất bản 40 đầu sách (74 tập sách) thuộc các mảng: Địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật, tư liệu tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang. Trong đó có 10 sách lịch sử, 4 sách địa lý, 9 sách kinh tế - văn hóa - xã hội, 7 sách văn học - nghệ thuật, 10 sách tư liệu - tổng hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần