Số hóa bảo tồn di sản

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện nay có hơn 6.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, nhiều công trình có niên đại hàng trăm năm đang bị xuống cấp, mai một.

Bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại, dự án số hóa các di sản văn hóa đã giúp giải quyết một phần việc bảo tồn, giáo dục và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa.

Tiết kiệm chi phí

Ngày 17/10, Viện Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn các di sản văn hóa nhằm mục đích phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam và châu Á – Thái Bình Dương”. Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ di tích trong bối cảnh biến đổi khi hậu như: Cải cách về chính sách, pháp luật; giáo dục nâng cao ý thức của người dân; hạn chế khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các giải pháp trên đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực về con người, kinh phí cũng như cơ sở vật chất để đáp ứng.
 Hiện vật được số hóa trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Công Hùng 
Giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn, tiết kiệm chi phí là dự án số hóa các di sản văn hóa của Viện Quốc tế Pháp ngữ. TS Nguyễn Hồng Quang – Viện Quốc tế Pháp ngữ cho biết: “Hiện nay, dự án số hóa các di sản có thể áp dụng được vào tất cả các lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. Chúng tôi đang tập trung chủ yếu vào các công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời. Khác với những dự án bảo tồn di sản trên nền tảng công nghệ khác, chúng tôi không chỉ chụp ảnh, trưng bày trên website mà còn có thể cho người xem được “chạm” vào di sản, tạo ra cảm xúc giống như khi xem thực tế”.

Theo TS Nguyễn Hồng Quang, giải pháp này nhằm hạn chế người dân, du khách đụng chạm vào hiện vật, di tích khiến chúng bị hư hỏng. Ngoài ra, khi thực hiện dự án, Viện Quốc tế Pháp ngữ còn sưu tầm tư liệu lịch sử, sự kiện gắn liền với di tích để phục vụ người xem có nhu cầu học tập, nghiên cứu. Tất cả thông tin đều căn cứ trên những nguồn tin chính thống, có sự tư vấn của các nhà nghiến cứu, nhà khoa học. Đặc biệt, khách tham quan, trải nghiệm các ứng dụng đều hoàn toàn miễn phí.

Để có được kết quả trên, dự án đã phải trải qua nhiều khó khăn vì ban đầu chỉ có ý tưởng, thiếu các công cụ, thiết bị chuyên dụng nên phải thuê của các công ty nước ngoài và tìm nhà tài trợ. Tuy nhiên, với mong muốn bảo tồn các di sản văn hóa, mục tiêu của dự án trong tương lai là số hóa tất cả các di sản, trước mắt là những công trình kiến trúc cổ. TS Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu việc số hóa các bảo tàng. Bảo tàng có hàng nghìn hiện vật đang được lưu trữ và không thể trưng bày một lúc hết tất cả. Việc số hóa giúp người xem có được cái nhìn tổng thể, bao quát. Đồng thời, người xem không bị giới hạn vì thời gian, có thể xem bất cứ lúc nào và không bị ảnh hưởng vì các điều kiện khách quan như địa lý, thời tiết”.

Hiện nay, dự án đang được triển khai, giới thiệu với người xem bằng 3 ngôn ngữ là Tiếng Việt, Tiếng Anh và Pháp. Người xem chỉ cần điện thoại di động hoặc các thiết bị có kết nối internet có thể tham quan di tích.

Theo các chuyên gia, việc số hóa các di sản, công trình kiến trúc lịch sử sẽ kích thích sự tò mò của người xem, giúp khách du lịch có mong muốn trải nghiệm thực tế. Thông qua đó, người xem hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước; nâng cao ý thức về bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hóa.

Trải nghiệm qua màn ảnh nhỏ

Vừa qua, dự án số hóa các di sản đã giới thiệu đến công chúng sản phẩm đầu tay về “tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội”. Chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn kéo dài khoảng 15 phút, được để ở chế độ tự động với những cảnh quay độc đáo tựa như một bữa tiệc thị giác cho du khách. Đồng thời, nhạc nền của chuyến du ngoạn ảo này là những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Pháp. Chuyến tham quan đã cung cấp cho du khách những kiến thức phong phú về quá trình xây dựng, những nét độc đáo của kiến trúc nhà hát, tiến trình hiện đại hóa sân khấu và âm nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XX; cuộc đời và đóng góp của nhà viết kịch Vũ Đình Long – cha đẻ của ngành kịch nói Việt Nam và ông Claude Bourin – Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trải nghiệm chuyến tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội, du khách cũng sẽ biết đến những thăng trầm của đất nước, tìm hiểu di tích vết đạn bắn vào tháng 12/1946, các sự kiện quan trọng đã diễn ra tại Quảng trường Cách mạng tháng 8 đầu thế kỷ XX tới nay, trải nghiệm ngồi lô VIP dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn…

Được biết, dự án số hóa các di sản văn hóa của Viện Quốc tế Pháp ngữ hiện nay đang tập trung vào nhiều công trình ở Hà Nội mang kiến trúc của Pháp. Theo tiết lộ của Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập, thời gian tới dự án sẽ tập trung làm về Thăng Long tứ trấn của Hà Nội và các công trình về tôn giáo trên địa bàn Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần