Số hóa hoạt động ngân hàng: Xu hướng cạnh tranh mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ đang làm thay đổi tất cả các mô hình kinh doanh truyền thống và ngành ngân hàng không phải là một ngoại lệ.

Ngân hàng số và tài chính số đang là một xu thế rất quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Ở Việt Nam, cuộc chạy đua để tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Ngân hàng không điểm giao dịch

Đầu tháng 3/2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã khai trương điểm giao dịch ngân hàng tự động LiveBank, cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch 24/7, đồng thời tương tác với thiết bị như đang giao dịch thực tế với nhân viên ngân hàng thay vì đến chi nhánh ngân hàng truyền thống.

Không hề kém cạnh, tại sự kiện Banking Vietnam 2017 hồi tháng 5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần đầu tiên giới thiệu các tính năng mới của ứng dụng BIDV Smart Banking như VnShop (mua sắm trên ứng dụng), trợ lý ảo và gian hàng ảo thanh toán bằng mã QR. Ngoài các chức năng cơ bản, khách hàng có thể trải nghiệm các tính năng đặc biệt khác trên ứng dụng như tiền gửi online, chuyển tiền từ thiện, đăng nhập/xác thực giao dịch bằng vân tay.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng giao dịch tự động LiveBank. Ảnh:  Việt Dũng

Đến nay, hàng loạt các dịch vụ liên quan tới ngân hàng số (digital banking) đã được triển khai, từ những hình thức sơ bộ ban đầu như Internet banking, SMS banking, mobile banking… cho đến những dịch vụ thông minh hơn như TM, MoMo, SenPay, 123Pay, hệ thống quản lý hỗ trợ POS… Nhiều ngân hàng đã khai thác công nghệ số phục vụ hoạt động như VietCapitalBank áp dụng gửi tiền online, Vietcombank triển khai thanh toán hóa đơn, nộp thuế... Vietinbank, Eximbank, SHB đều đã thay thế hoàn toàn hệ thống CoreBanking mới. Các dịch vụ cung cấp đến khách hàng như: Tiền gửi, tiền vay, giao dịch chi nhánh, tài trợ thương mại, Internet Banking, Mobile Banking, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ… đều được thông suốt.

Nhu cầu cấp thiết

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, công nghệ số đã giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian, địa lý, từ đó cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều người dân dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó góp phần giảm thanh toán bằng tiền mặt trên thị trường.

Theo số liệu mới nhất của ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy mô vốn đầu tư cho công nghệ vào ngân hàng đang liên tục tăng. Riêng NHNN đang có dự án tạo lập hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn ngành ngân hàng phát triển, với tổng giá trị 70 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, số hóa là quá trình chạy đua lớn giữa các ngân hàng. Các ngân hàng Việt buộc phải chủ động xây dựng hệ thống công nghệ thông tin toàn diện trước việc ngân hàng nước ngoài tràn vào và dần chiếm lĩnh thị phần. Các chuyên gia đánh giá, xu thế cạnh tranh này đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra cánh cửa mới cho dịch vụ ngân hàng Việt Nam. Dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 40% giao dịch bán hàng của các ngân hàng được thực hiện qua mạng và thiết bị di động, thậm chí có khoảng 2/3 nghiệp vụ của ngân hàng do hệ thống công nghệ thông tin đảm nhiệm. Giới chuyên gia cũng nhận định, việc ứng dụng công nghệ số giúp ngân hàng gia tăng đến 45% cơ hội lợi nhuận trong mảng bán lẻ.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo xu hướng phát triển ngân hàng số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Khi thu nhập từ hoạt động tín dụng ngày càng giảm, phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số là cần thiết để giúp các ngân hàng gia tăng tỷ trọng nguồn thu dịch vụ trong tổng lợi nhuận chung.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú


Các ngân hàng đều nhận thức được sự cần thiết của việc áp dụng các công nghệ, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Số hóa giúp ngân hàng có thể giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng, thời gian. Mặt khác, khách hàng luôn mong muốn nhận được các dịch vụ ngân hàng thật an toàn và thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.

Ông Azhar Bin Adnan Giám đốc marketing CMC Telecom